Để kinh tế xanh cất cánh
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để dịch chuyển sang nền kinh tế xanh. Song, để thực hiện cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp, chính sách và cơ sở hạ tầng song hành hướng tới phát thải ròng bằng 0 theo cam kết.
Việt Nam có nhiều thuận lợi chuyển sang kinh tế xanh
So với các nền kinh tế phát triển, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để dịch chuyển sang nền kinh tế xanh. Ở các nước phát triển, quá trình chuyển đổi diễn ra tương đối khó khăn hơn khi đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ổn định qua nhiều năm.
Giám đốc Cấp cao Khối khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng UOB Việt Nam LIM Dyi Chang nhìn nhận, với Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sự chuyển dịch sang nền kinh tế xanh sẽ diễn ra dễ dàng hơn.
Số vốn cần thiết cho quá trình này dự kiến sẽ rất lớn, lên đến 140 tỉ USD trong vòng 9 năm tiếp theo, chủ yếu dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng. Lợi thế của Việt Nam nằm ở chỗ đang trực tiếp đầu tư vào hạ tầng mới, không phải chịu nhiều gánh nặng tạm ngừng sản xuất để tháo dỡ hạ tầng cũ. Đó là ưu thế độc đáo của Việt Nam so với các quốc gia khác.
"UOB cam kết đồng hành đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. So với các nước khác trong khu vực ASEAN, mục tiêu của Việt Nam táo bạo hơn (lấy ví dụ, Indonesia đặt mục tiêu vào năm 2065). Trong vòng 20 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế ASEAN lớn thứ hai trên thế giới" - vị này nhấn mạnh.
Phó Tổng Giám đốc Đối ngoại, Truyền thông và Phát triển Bền vững Coca-Cola Việt Nam Bùi Khánh Nguyên thẳng thắn, để kinh tế xanh của Việt Nam có thể cất cánh trở ngại đối với doanh nghiệp rất nhiều. Đó là nằm ở các chính sách khuyến khích khi doanh nghiệp thực hiện rất nhiều trách nhiệm trong cùng một thời điểm như thu gom và tái chế bao bì. Nếu được giới thiệu và thực hiện cùng thời điểm, các loại thuế khác sẽ tạo gánh nặng tương đối lên các doanh nghiệp sẽ làm sụt giảm tính cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, nhận thức của người tiêu dùng cũng cần được nâng lên vì doanh nghiệp chuyển đổi theo xu hướng xanh, nhưng thị trường và người tiêu dùng chấp nhận ở cấp độ nào là phù hợp nhất, đôi khi nó thể hiện ở giá cả trên thị trường.
6 vấn đề trọng tâm thực hiện
Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh. Trong đó năng lượng tái tạo chiếm khoảng 27,1% trong tổng công suất và 13,7% về sản lượng trong hệ thống điện toàn quốc. So với mục tiêu đề ra đến năm 2030 đạt khoảng 15 - 20% và năm 2045 đạt khoảng 25 - 30% trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, công suất các nguồn năng lượng tái tạo có thể đạt được.
Có 6 vấn đề lớn cần tập trung trong thời gian tới được vị này chỉ ra. Thứ nhất, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, đường lối chung, chiến lược đã có trong lĩnh vực kinh tế - xã hội thành các chương trình hành động cụ thể để triển khai đúng, kịp thời, theo lộ trình về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển nhanh, bền vững.
Thứ hai, rà soát, đánh giá thực chất kết quả triển khai 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể nêu trong Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, lưu ý về kết quả triển khai các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế; khoa học, công nghệ; các ngành tạo phát thải khí nhà kính lớn; công nghiệp; giao thông vận tải và dịch vụ logistics; nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thứ ba, xác định khoa học và công nghệ và yếu tố nền tảng, then chốt để đạt được các mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong tăng trưởng xanh như: xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xanh hóa quá trình chuyển đổi.
Thứ tư, định hình tư duy và chiến lược mới về thu hút FDI trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị.
Thứ năm, cần đổi mới tư duy và cách tiếp cận trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi xanh thông qua việc xây dựng những tiêu chí, quy định và các chương trình hỗ trợ cụ thể đối với doanh nghiệp.
Trong đó, đặc biệt quan tâm đến khả năng tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững vì đây là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến thành công của chuyển đổi xanh của doanh nghiệp.
Thứ sáu, có cơ chế, chính sách thúc đẩy tài chính xanh, tín dụng xanh khi Ngân hàng Thế giới ước tính Việt Nam cần tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040 (hoặc khoảng 6,8% GDP/năm) để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng giảm phát thải ròng bằng 0.
Hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đỏi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang hướng tới thiết lập áp dụng các hàng rào carbon đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-kinh-te-xanh-cat-canh.html