Để lan tỏa mô hình nhà vệ sinh miễn phí
Bạn đã từng phải tìm gấp chỗ 'giải quyết nỗi buồn' khi đang đi trên đường hay đi du lịch chưa? Vâng, mặc dù đó là một câu hỏi tế nhị tuy nhiên cũng rất thực tế. Khi chúng ta đi du lịch mà muốn 'giải quyết nỗi buồn' nhưng không tìm được chỗ nào để xử lý thì các nhà vệ sinh công cộng thực sự là cứu tinh.
Cách đây vài năm, những buồng vệ sinh công cộng thường được đặt tại các khu vực như công viên, trường học, chợ,… Vậy nhưng sau một thời gian sử dụng, các buồng vệ sinh này bị… “bỏ hoang”. Tình trạng đó là do sự xuống cấp của các buồng vệ sinh công cộng. Bên cạnh đó, khi ý thức của người sử dụng cùng sự quản lý của các bên liên quan chưa tốt thì dẫn đến chất lượng không đảm bảo, người dân không còn muốn sử dụng các buồng vệ sinh này nữa.
Dần dà, việc đi vệ sinh công cộng, đặc biệt tại các thành phố lớn có đông khách du lịch, trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của người dân địa phương mà còn của du khách.
Không để chuyện này tiếp tục xảy ra trong bối cảnh Việt Nam muốn thu hút khách du lịch quay trở lại, các thành phố lớn như TPHCM, Đà Nẵng, Huế bắt đầu vận động các hộ kinh doanh đồng ý tham gia chương trình nhà vệ sinh miễn phí. Nhà vệ sinh miễn phí dành cho du khách tuy không mới nhưng luôn cần thiết tại bất cứ thời điểm nào vì nó quyết định du khách có thiện cảm với điểm đến hay không.
Ưu điểm của hoạt động này là tận dụng các nhà vệ sinh sẵn có của các cơ sở tham gia chương trình, tiết kiệm được kinh phí xây dựng các buồng vệ sinh công cộng.
Ví dụ, tại Đà Nẵng, logo “Thoải mái như ở nhà” được dán tại nhiều khách sạn, resort, nhà hàng và cửa hàng mua sắm, “mời” du khách sử dụng miễn phí. Tại Huế, sau một tháng triển khai chương trình nhà vệ sinh miễn phí, đã có gần 150 điểm tham gia tại các khu vực thường xuyên có nhiều hoạt động du lịch. Hay trên địa bàn quận 1, TPHCM, cũng đã có khoảng 100 cơ sở kinh doanh, dịch vụ cho phép người dân, du khách sử dụng nhà vệ sinh miễn phí.
Câu hỏi đặt ra là liệu mô hình này có đủ sức để “chạy đường dài” được không? Mấu chốt có lẽ nằm từ cả ba phía. Đó là sự hỗ trợ từ địa phương, sự hợp tác từ các hộ kinh doanh, người dân và ý thức từ người sử dụng. Nếu không có sự đồng thuận từ cả ba phía, mô hình này khó mà đi đến đích được.
Ở góc độ quản lý nhà nước, các địa phương nên có những chính sách hỗ trợ, quảng bá cho các điểm kinh doanh khi tham gia cung cấp nhà vệ sinh miễn phí trên các trang thông tin. Đi kèm theo đó là thiết lập “đội tuần tra” để giám sát việc cho và sử dụng nhà vệ sinh miễn phí.
Đứng ở góc độ là du khách, điều quan trọng là ý thức khi sử dụng nhà vệ sinh miễn phí và có thể ủng hộ những cơ sở kinh doanh bằng cách sử dụng sản phẩm, dịch vụ sau khi đi vệ sinh nếu cảm thấy phù hợp.
Còn ở vị trí là những người đồng ý tham gia chương trình nhà vệ sinh miễn phí thì sao? Trách nhiệm của họ là đảm bảo có đội ngũ làm sạch nhà vệ sinh. Mặt khác, họ cũng cần có thái độ niềm nở và xem những du khách vào sử dụng nhà vệ sinh miễn phí cũng là những khách hàng tiềm năng. Có như vậy họ mới cảm thấy không khó chịu khi cho khách sử dụng nhà vệ sinh của mình trong thời gian dài.
Có thể nói “sức bền” của nhà vệ sinh miễn phí tới đâu còn cần phải xem ý thức và thái độ của các cấp địa phương, người tham gia chương trình và cả du khách – người sử dụng dịch vụ. Nói một cách khác, “sạch – bẩn” do ý thức rất nhiều. Thế nên chất lượng nhà vệ sinh miễn phí kém hay tốt không phụ thuộc hoàn toàn vào bên cung cấp dịch vụ mà còn nằm ở ý thức của người sử dụng.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/de-lan-toa-mo-hinh-nha-ve-sinh-mien-phi/