Để lao động HTX ai cũng có lương hưu
Kinh tế hợp tác, HTX đang phát triển không ngừng, thu hút hàng triệu thành viên tham gia. Vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện trong khu vực này rất cần thiết để hoàn thiện chuỗi an sinh xã hội.
HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng, xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang những năm qua liên tục đầu tư nguồn lực phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa với 3 nhóm ngành nghề chính, gồm nuôi ong; thu mua nông sản và cung cấp dịch vụ vật tư nông nghiệp, con giống; sản xuất rượu.
Lợi ích khi tham gia BHXH
Việc liên tục mở rộng quy mô sản xuất giúp HTX tạo nhiều việc làm cho lao động trong và ngoài địa phương. Sản phẩm của HTX ngày càng khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường, doanh thu bình quân hàng năm đạt trên dưới 3 tỷ đồng.
Đáng chú ý, bên cạnh nâng cao thu nhập, HTX cũng rất quan tâm đến đời sống an sinh của thành viên, người lao động. Hiện, HTX đang đóng BHXH cho 24 thành viên và 12 lao động thường xuyên, đồng thời giải quyết cho trên 100 lao động mùa vụ, với thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Hoàng A Páo, đại diện HTX, cho hay đơn vị rất quan tâm đến việc tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện nhằm đảm bảo quyền lợi khi về già, tuy nhiên vì những điều kiện cả chủ quan và khách quan, tỷ lệ vào chuỗi an sinh vẫn chưa được như kỳ vọng.
"Tôi mong muốn, thời gian tới sẽ bao tiêu các sản phẩm cho bà con và tạo ra các sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với người tiêu dùng, góp phần quảng bá thương hiệu đặc sản quê hương. Từ đó, HTX tạo thêm nhiều việc làm và đóng BHXH cho các lao động và thành viên HTX khác”, ông Páo chia sẻ.
Tương tự, những năm qua, HTX Ái Nghĩa (Đại Lộc, Quảng Nam) đã xây dựng 100% các chế độ bảo hiểm nhằm khuyến khích động viên người lao động tăng cường trách nhiệm đối với công việc, gắn bó lâu dài, cống hiến vì sự phát triển của HTX. Đây cũng là một trong những chính sách hiệu quả để thu hút lao động trẻ vào làm việc tại HTX.
Nhờ những chính sách tốt cho lao động, hoạt động của HTX ngày càng được nâng lên. Hiện, doanh thu của HTX đạt trên dưới 20 tỷ đồng/năm, bao tiêu 100% sản phẩm cho thành viên, thường xuyên tổ chức tập huấn quy trình sản xuất, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ quản lý, thu hút cán bộ trẻ về tham gia HTX. Hằng năm trích hàng trăm triệu đồng để duy trì hoạt động phúc lợi cho thành viên.
Tiếp tục mở rộng dư địa
Chính sách BHXH với lao động và cán bộ quản lý tại HTX được thực hiện từ năm 2003. Cụ thể, Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ đã quy định bổ sung nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là người lao động, thành viên làm việc và hưởng tiền công theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên trong các HTX thành lập, hoạt động theo Luật HTX.
Từ năm 2016 đến nay, theo quy định tại Luật BHXH 2014, đã bổ sung đối tượng tham gia BHXH là người lao động, cán bộ quản lý trong HTX theo hướng toàn diện hơn. Theo đó, đã sửa đổi hoàn thiện quy định về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người quản lý, điều hành HTX có hưởng tiền lương. Từ ngày 1/1/ 2018 trở đi, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên trong các HTX.
Bên cạnh đó, Luật BHXH cũng đã quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó thành viên, người lao động thuộc HTX không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và được hưởng chính sách hỗ trợ này.
Thực tế cho thấy, các HTX, tổ hợp tác cũng đang rất nỗ lực trong việc tạo điều kiện cho lao động tham gia vào chuỗi an sinh xã hội. Đơn cử, tại Quảng Ninh, những năm gần đây, BHXH Việt Nam liên tục phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến, đối thoại, tư vấn chính sách pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cho hơn 1.000 lượt đại biểu là cán bộ, thành viên và người lao động trong các HTX, liên hiệp HTX trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Tại các hội nghị tuyên truyền, các thành viên HTX đã được tuyên truyền một số nội dung về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; trọng tâm chính sách BHXH, BHYT áp dụng đối với người lao động làm việc trong khu vực kinh tế hợp tác (KTHT), HTX, liên hiệp HTX; quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện và tham gia BHYT hộ gia đình.
Các thành viên HTX cũng đã được giải đáp những thắc mắc trong việc áp dụng, thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong thực tế, như: Thời gian hưởng lương hưu đối với người tham gia BHXH bắt buộc; quyền hạn khi tham gia khám, chữa bệnh đối với người có thẻ BHYT; thủ tục chuyển tuyến khi tham gia khám, chữa bệnh BHYT...
Được biết, trên địa bàn Quảng Ninh hiện có gần 700 HTX, hơn 300 tổ hợp tác đang hoạt động với 55.000 thành viên, thu hút 71.190 lao động; hằng năm khu vực KTHT, HTX đóng góp vào GRDP của tỉnh 1,2%.
Bước sang năm 2023, Liên minh HTX tỉnh đặt mục tiêu thành lập mới 30 HTX, 1-2 liên hiệp HTX, 10-15 tổ hợp tác với số thành viên tham gia kinh tế tập thể tăng 2-3%. Đồng thời, thu nhập của người lao động thường xuyên trong HTX đạt 70 triệu đồng/người/năm, tổ hợp tác đạt 45 triệu đồng/người/năm; hỗ trợ 8-10 HTX được tham gia các nguồn vốn vay; đề xuất lựa chọn 5 mô hình HTX đại diện các lĩnh vực, địa phương có điều kiện để phát triển mở rộng.
Đa dạng các giải pháp hỗ trợ
Đang có những chuyển biến tích cực, song theo các địa phương, cơ hội tham gia BHXH của thành viên HTX còn không ít khó khăn. Vì vậy, cần thêm nhiều giải pháp hỗ trợ, thông tin tuyên truyền giúp lao động HTX nắm thông tin và lựa chọn tham gia các loại hình BHXH tự nguyện phù hợp với thu nhập và linh động trong các khoản đóng, quyền lợi hưởng như BHXH thông thường.
Như ở Sơn La, để phát triển BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh Sơn La rà soát xác định phân loại đối tượng (nhóm đối tượng tiềm năng) theo thứ tự ưu tiên như: Đối tượng đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH bắt buộc; Nhóm người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng, hợp đồng thời vụ; Người hoạt động không chuyên trách ở tổ, bản, tiểu khu; Người tham gia các hoạt động dịch vụ không hưởng tiền lương; thành viên các HTX không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc... Đây sẽ là dư địa rất lớn để phát triển BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, để phát triển BHXH tự nguyện, Nhà nước cũng đang có những chính sách hỗ trợ. Theo quy định hiện hành, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện như: Từ ngày 01/01/2022, mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng/người/tháng, nên mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 có sự điều chỉnh.
Cụ thể, mức hỗ trợ được tính theo tỉ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn: Hộ nghèo được hỗ trợ: 30% x 22% x 1.500.000 = 99.000 đồng/tháng; Hộ cận nghèo được hỗ trợ: 25% x 22% x 1.500.000 = 82.500 đồng/tháng; Các đối tượng khác được hỗ trợ: 10% x 22% x 1.500.000 = 33.000 đồng/tháng.
Đáng chú ý, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo Điều 73 Luật BHXH 2014, người lao động muốn được nhận lương hưu, ngoài đáp ứng điều kiện về độ tuổi thì phải có mức đóng BHXH tối thiểu 20 năm. Đây được xem là khoảng thời gian quá dài đối với người lao động.
Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất sửa Luật BHXH theo hướng giảm mức đóng tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/de-lao-dong-htx-ai-cung-co-luong-huu-1093506.html