Để lao động nữ làm việc hạnh phúc
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong lao động và cuộc sống đối với nữ giới. Tuy vậy, tại các cơ quan, doanh nghiệp (DN), nhất là các khu vực có số lượng lao động nữ chiếm phần lớn, để mang lại niềm hạnh phúc trong công việc, đời sống, các cơ quan chức năng, DN cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong lao động và cuộc sống đối với nữ giới. Tuy vậy, tại các cơ quan, doanh nghiệp (DN), nhất là các khu vực có số lượng lao động nữ chiếm phần lớn, để mang lại niềm hạnh phúc trong công việc, đời sống, các cơ quan chức năng, DN cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp.
Lắng nghe lao động nữ
Vào TP Hồ Chí Minh làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Tân Tạo từ năm 2009 đến nay, chị Trần Thị Hiền, quê Hà Tĩnh đã có hơn 10 năm gắn bó công việc tại một DN may mặc tại KCN này. Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề cuộc sống hạnh phúc trong công việc cũng như cuộc sống thường ngày, chị Hiền chỉ trả lời chung chung: “Cũng không biết nói thế nào, từ quê vào đây có công việc ổn định, tích góp được chút tiền để chăm lo cho gia đình, lập gia đình rồi con cái được đến trường. Như vậy cũng là tạm ổn rồi. Đôi khi gia đình cũng có “sóng gió” nhưng vì cuộc sống cho nên tôi cố gắng giải quyết cho ổn thỏa” mọi chuyện. Câu chuyện của chị Hiền cũng là tình cảnh chung của rất nhiều lao động nữ, nhất là các lao động đã lập gia đình. Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất (KCX), KCN TP Hồ Chí Minh (HEPZA), hiện thành phố có 17 KCX, KCN với khoảng 280 nghìn lao động, trong đó lao động nữ chiếm hơn 60%. Nhìn chung, đời sống của lao động nữ tại khu vực lao động này đã có sự tiến bộ hơn rất nhiều so với trước đây. Mức thu nhập cơ bản đáp ứng được nhu cầu sống của người phụ nữ. Tuy vậy, để nâng cao hơn nữa mức sống, nhất là đời sống tinh thần thì cần có sự vào cuộc đồng bộ và thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa từ các đơn vị liên quan.
Còn tại các đơn vị DN bên ngoài các KCX, KCN, có thể kể đến đơn vị luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong công việc của giới nữ là Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh. Trưởng ban Truyền thông Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, Đỗ Thị Xuân Chi cho biết: Hiện lao động nữ tại đơn vị chiếm khoảng một phần ba trong gần 7.000 lao động. Đây là lực lượng lớn và gắn bó với phát triển của DN. Để đánh giá sự hài lòng trong công việc không chỉ riêng với nữ giới, công ty có các ban điều hành giữ gìn mối quan hệ lao động đó là Ban nữ công, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ. Qua đó, lao động nữ được bố trí công việc hợp lý. Đơn vị cũng tổ chức đối thoại định kỳ sáu tháng/lần. Vào thứ năm hằng tuần, công ty có chương trình tiếp cán bộ, lao động nữ có vấn đề cần trao đổi gặp trực tiếp với lãnh đạo. “Lao động nữ sẽ cảm thấy hạnh phúc trong công việc khi được đối xử bình đẳng - “bình đẳng” chứ không phải là “giống hệt” như lao động nam, cũng không phải là “ưu ái” hơn lao động nam. Đó là sự bình đẳng trong tuyển dụng, bố trí công việc, tiền lương, học tập, trong điều kiện hỗ trợ là trách nhiệm nuôi dạy con, trong cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Đây là DN đầu tiên ở Việt Nam được nhận Chứng chỉ bình đẳng giới toàn cầu khi có nhiều hoạt động hướng đến bình đẳng giới và quan tâm đến môi trường làm việc của lao động nữ.
Không ngừng học hỏi
Trao đổi về hạnh phúc của lao động nữ nói chung, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm (Công ty cổ phần Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt, quận Tân Phú) cho rằng, chính người phụ nữ là người sáng tạo ra hạnh phúc của chính mình. Thiên chức của họ là làm vợ, làm mẹ. Tuy vậy, áp lực cuộc sống nhiều khi khiến phụ nữ bị quá tải. Nếu họ nghĩ sự hy sinh là hạnh phúc thì họ sẽ rất khó cảm thấy hạnh phúc mà bản thân họ nên trước tiên phải yêu thương bản thân mình, phải hạnh phúc rồi sau đó mới yêu thương và cho đi”- chuyên gia khẳng định. Tại các DN, để lao động nữ làm việc hạnh phúc thì chủ DN cần quan tâm đến nâng cao nhận thức cho lao động nữ, tạo điều kiện cho họ có môi trường học tập, nâng cao kiến thức kỹ năng trong công việc, chuyên môn và cả kỹ năng kiến thức trong tổ chức cuộc sống gia đình; tổ chức công đoàn cần tổ chức nhiều hoạt động chất lượng, có giá trị, trang bị những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống cho chị em phụ nữ. Và hơn ai hết, chính bản thân lao động nữ phải ý thức đầu tư thời gian vào việc học tập, nâng cao nhận thức, chú ý chăm sóc bản thân, đời sống tinh thần, phải tự tạo niềm vui cho chính mình, làm cho mình luôn suy nghĩ tích cực, có năng lượng tích cực, để tạo ra môi trường sống an toàn hạnh phúc cho gia đình và nơi làm việc.
Chú trọng đến quyền bình đẳng nữ giới trong xã hội, những năm qua, thành phố đã thực hiện và ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát huy vai trò của phụ nữ, thúc đẩy quyền và bình đẳng giới. Hiện nay, đội ngũ cán bộ nữ trong các ngành, lĩnh vực tăng về số lượng và chất lượng khi tiếng nói, quan điểm của phụ nữ ngày càng có vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách và ra quyết định ở các cấp, các ngành, các chỉ tiêu về y tế, giáo dục, văn hóa. Đơn cử tại HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021, hiện nữ giới đạt tỷ lệ 42%, cao gấp hai lần so với nhiệm kỳ trước.
Theo UBND thành phố, trong bối cảnh của kinh tế tri thức hiện nay, thành phố hội nhập và toàn cầu hóa mạnh mẽ càng đem lại cho phụ nữ những cơ hội mới cùng những thách thức lớn hơn. Thành phố đang nỗ lực thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao nhận thức cho phụ nữ về bình đẳng giới, thúc đẩy nữ quyền và chống bạo lực gia đình, tham gia tích cực vào việc thực hiện các chương trình đột phá; nghiên cứu điều kiện sống và làm việc của lao động nữ nói chung, lao động nữ nhập cư nói riêng và đề xuất giải pháp để lao động nữ có cuộc sống ổn định, yên tâm làm việc, học tập nâng cao trình độ để lao động đạt năng suất.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/de-lao-dong-nu-lam-viec-hanh-phuc-622490/