Để lịch sử chạm đến trái tim
Bộ CHQS tỉnh Vĩnh Long vừa phối hợp với các ngành tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Hơn 700 học sinh, sinh viên đều chăm chú lắng nghe các nhân chứng kể chuyện; sôi nổi, hứng khởi với phần giao lưu và cuộc thi tìm hiểu lịch sử. Kết quả thu về hơn cả mong đợi.
Không giới hạn ở buổi giao lưu, hình thức giáo dục lịch sử, truyền thống đang có sự vận động, thay đổi để ngày càng bắt kịp xu thế. Điển hình như: Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Huế vừa phối hợp biên soạn tài liệu, giáo trình di sản văn hóa, gắn với giáo dục trực quan; Cần Thơ xây dựng chủ đề sinh hoạt văn hóa, các trò chơi gắn với giáo dục truyền thống, lịch sử hay sân khấu hóa các tác phẩm lịch sử, văn học, địa danh, nhân vật lịch sử. Gần đây nhất, nhóm bạn trẻ gồm đoàn viên, thanh niên cơ sở đoàn TP Cần Thơ đã biên soạn và đăng tải video, bài viết về các dấu mốc lịch sử dân tộc... lên fanpage "Tuổi trẻ Tây Đô" hay nền tảng TikTok, YouTube... Những hình ảnh, hiện vật, cách hòa phối âm thanh, nghệ thuật sắp đặt độc đáo đã thu hút nhiều lượt xem và bình luận tích cực từ giới trẻ. Qua những hình thức trên giúp các em nắm kiến thức sâu hơn, từ đó chủ động hơn trong tìm hiểu, tiếp cận với lịch sử chính thống.
Thực tế chứng minh, giới trẻ không hề quay lưng với lịch sử, truyền thống của dân tộc. Bồi đắp tình yêu lịch sử, truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ cũng không quá khó khăn, chỉ là bằng cách thức nào để lịch sử chạm đến trái tim giới trẻ?
Giáo dục lịch sử, truyền thống không phải là việc nhồi nhét kiến thức, bắt học sinh phải nhớ ngày này, ngày kia xảy ra sự kiện gì, thắng-thua thế nào trong các cuộc chiến mà cần hiểu tường minh đó là sự chuyển giao di sản quý báu của dân tộc từ những người đi trước cho thế hệ sau. Thời đại công nghiệp 4.0, giới trẻ cũng không ngừng vận động, phát triển và ngày càng có nhiều lựa chọn. Vì thế, bồi đắp tình yêu lịch sử, truyền thống cho thế hệ trẻ cũng phải có cách làm mới, đơn giản, gần gũi nhưng hấp dẫn và dễ tiếp thu.
Trước mắt, trách nhiệm nên thuộc về ngành giáo dục. Trải qua nhiều giai đoạn cải cách phương thức giáo dục, cải biên sách giáo khoa... thì nay, ngành giáo dục nên thay đổi cách truyền đạt kiến thức lịch sử để bắt kịp xu thế, đúng độ tuổi, cấp học. Lịch sử là dữ kiện từ quá khứ, nhưng là câu chuyện chứa nhiều nội dung, biến cố và mỗi người có một cách nhìn nhận khác nhau nên các em có thể thảo luận, đưa ra ý kiến cá nhân. Nhiệm vụ của giáo viên là giúp học sinh phân tích, hiểu vấn đề theo chiều hướng đúng đắn. Đồng thời cần có thêm nhiều chương trình học ngoại khóa bằng các chuyến đi thực tế để các em thấy rằng, lịch sử diễn ra xung quanh chúng ta, chứ không hoàn toàn bó buộc trong sách vở khô khan, số liệu khó nhớ.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/de-lich-su-cham-den-trai-tim-775584