Để lối sống tối giản trở nên đơn giản

Cảm thấy cuộc sống áp lực, nhiều người trẻ chọn cách đơn giản hóa mọi thứ. Việc này giúp nhiều người cảm thấy bình an nhưng cũng không ít trường hợp 'chênh vênh' vì chạy theo trào lưu mà chưa suy nghĩ kỹ càng.

Trần Hoài Phương (ấp 7, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) dành nhiều thời gian cho bản thân. Đối với các mối quan hệ, Phương luôn quan trọng chất lượng hơn số lượng

Trần Hoài Phương (ấp 7, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) dành nhiều thời gian cho bản thân. Đối với các mối quan hệ, Phương luôn quan trọng chất lượng hơn số lượng

Bỏ bớt những tiện nghi vật chất

Hai năm trước, cứ mỗi lần mở tủ quần áo, Nguyễn Thị Minh Thi (ấp 5, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) phải lựa chọn rất lâu mới được bộ đồ ưng ý. Mỗi lần đi siêu thị, Thi mua về rất nhiều đồ nhưng “không biết mua để làm gì, chỉ thích là mua”. Thấy bạn bè mua sách đọc, Thi đặt 3-4 cuốn nhưng cả năm chưa đọc đến. Đồ đạc quá nhiều khiến nhà cửa bề bộn. Cảm thấy mình quá phung phí nên Thi thay đổi lối sống.

Thi chia sẻ: “Tôi chọn giữ lại những bộ đồ ưng ý và sử dụng thường xuyên, còn lại thì xếp gọn vào vali hoặc đem cho từ thiện. Trong nhà, những vật dụng nào thật sự cần thiết tôi mới mua chứ không mua sắm “vô tội vạ” như trước. Sau một thời gian thực hành lối sống tối giản, tôi thấy mình không phải nhọc công chọn lựa; việc dọn dẹp nhà cửa cũng nhanh chóng, nhẹ nhàng, có nhiều thời gian để làm việc khác, nhất là tiết kiệm được một khoản tiền cho những dự định tương lai”.

Từng làm việc trong công ty của Nhật Bản nên Trần Hoài Phương (ấp 7, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) có dịp tiếp xúc với văn hóa và lối sống tối giản (minimalism) của thanh niên Nhật Bản. Phương dành nhiều thời gian cho bản thân, bỏ bớt những mối quan hệ không lành mạnh. Nếu xét thấy các buổi tụ tập bạn bè không quan trọng, Phương cũng từ chối tham gia.

Bữa cơm hàng ngày, Phương chỉ làm 1-2 món, vừa đủ ăn, không bỏ thừa. Đối với bạn bè trên mạng xã hội, Phương chú trọng chất lượng hơn số lượng, thường xuyên lọc bạn để tránh những năng lượng không hợp. Phương tâm sự: “Từ khi theo đuổi lối sống tối giản, tôi cảm thấy tâm trạng thư thái, thoải mái, không căng thẳng đầu óc như trước. Tôi nhận thấy rằng, nếu chúng ta biết bỏ bớt những “chi tiết thừa” trong cuộc sống thì sẽ có thời gian tập trung cho những thứ quan trọng hơn, nhờ đó kết quả cũng cao hơn”.

Thời sinh viên, anh Lương Phạm Thái An (khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) từng không thuê được nhà trọ vì quá ít vật dụng cá nhân, chủ nhà sợ anh ở không bền. Lúc đó, anh chỉ có một cái quạt máy, một cái gối, sách, vở và vài bộ quần áo. Anh An tếu táo kể: “Không phải tôi nghèo mà do tôi thích vậy, trong quá trình sống, nếu thiếu gì thì mua thêm. Tính tôi lười nên có nhiều đồ lại phải tốn công dọn dẹp, sống đơn giản cho nhẹ đầu”. Tốt nghiệp đại học hơn 10 năm nhưng anh An vẫn duy trì lối sống ấy.

Đơn giản trong suy nghĩ

Sống tối giản có thể được hiểu là bỏ bớt những thứ không quan trọng, không thật sự cần thiết. Điều này diễn ra trên hai phương diện vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, người theo đuổi lối sống tối giản cần xuất phát từ sự tự ý thức chứ không phải vì chạy theo trào lưu, “đu trend”. Việc chạy theo trào lưu khiến bạn trẻ trở nên nhanh chán.

Trong nền minh triết phương Đông, lối sống “thiểu dục, tri túc” (ít muốn, biết đủ) được cho là cách để có sự bình an. Nhiều người trẻ không hiểu rằng “ít muốn” có nghĩa là không bám víu, không biến mình trở thành “nô lệ” chứ không phải ở việc ta có bao nhiêu vật chất. Ta chỉ sở hữu 3 bộ đồ để mặc, nhưng đòi hỏi chúng phải đúng ý ta về kiểu dáng, màu sắc, thương hiệu,... nếu không đúng thì không chịu. Như vậy, ta trở thành “nô lệ” của lối sống ấy, biến mình trở nên “khó khăn” hơn. Đến đây, việc tối giản vật chất hóa ra lại là sự vun bồi để tinh thần trở nên phức tạp.

Trong cuốn Tự do đầu tiên và cuối cùng, nhà hiền triết người Ấn Độ Krishnamurti đưa ra cách để đơn giản hóa suy nghĩ. Theo ông, khi đối diện một người, một sự việc, tốt nhất là ngừng tư duy. Bởi khi tư duy, ta sẽ mang theo những kiến thức cũ, kinh nghiệm cũ, thành kiến cũ. Tâm trí ta lúc này như cái ly chứa đầy nước hoặc là không tiếp thu được gì, hoặc là đưa ra phán đoán sai lầm. Ví dụ, khi có ai đó đố bài toán 1+1, bằng những kinh nghiệm cũ, ta sẽ nghĩ họ đố mẹo, trong khi kết quả vẫn là 2; khi một cô gái vừa thất tình tiếp xúc một chàng trai, nếu nhìn bằng đôi mắt đầy thành kiến, không tránh khỏi tình trạng cô gái sẽ đánh đồng “đàn ông ai cũng thế” rồi bỏ qua cơ hội của đời mình.

Đến đây, người trẻ lại đặt vấn đề nếu suy nghĩ đơn giản sẽ dễ bị lừa, nhất là trong môi trường xã hội phức tạp. Như trên đã nói, người trẻ cần đón nhận kiến thức mới như rót nước vào cái ly rỗng; không tin ngay cũng không bác bỏ ngay mà phải trải qua quá trình phân tích, suy nghĩ thấu đáo. Trong cuốn Hiểu về trái tim, nhà tâm lý học trị liệu, thiền sư Minh Niệm có viết về hiệu quả của việc “lắng nghe”. Theo đó, người muốn hiểu trọn vẹn điều mình nghe thì tâm trí cần bình lặng ngay giây phút ấy, không suy nghĩ lung tung. Muốn tâm trí bình lặng, người trẻ cần dành thời gian để quan sát bản thân. Đối diện vấn đề với một tâm trí phức tạp, “đu trend”, người trẻ dễ trở thành “mồi ngon” cho những kẻ lừa đảo.

Lối sống tối giản có hiệu quả khi người trẻ không làm ảnh hưởng đến ai, được mọi người đánh giá ngày càng dễ thương, dễ chịu. Nếu thực hành với sự hiểu biết thì sống tối giản chỉ là điều đơn giản./.

Châu Thanh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/de-loi-song-toi-gian-tro-nen-don-gian-a176382.html