Để luật không 'nằm trên giấy'
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi vừa được trình Quốc hội ngày 20/5. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, doanh nghiệp (DN) và người dân, để tránh tình trạng luật vừa ban hành đã tiếp tục phải sửa đổi hoặc các điều, khoản không thể thực thi, nhiều nội dung trong Dự thảo cần được sửa đổi và quy định rõ ràng.
Cần quy định rõ ràng hơn
Sau 5 năm triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2014, nhiều vấn đề bất cập đã nảy sinh, có những điều khoản không thể thực hiện và chưa đi vào đời sống kinh tế - xã hội. Từ thực tế đó, Dự thảo Luật BVMT sửa đổi lần này mặc dù đã có những cải cách đáng kể trong việc tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại của Luật BVMT 2014, tuy nhiên, không ít nội dung vẫn đang là "rào cản" cho phát triển của DN và xã hội.
Theo PGS.TS Đặng Kim Chi - Chuyên gia tư vấn môi trường độc lập, chất thải điện - điện tử, chất thải nhựa ngày càng trở thành vấn đề "nóng" trong giai đoạn hiện nay. Thời gian tới, chất thải do các hoạt động tái tạo năng lượng sẽ là những vấn đề lớn, khó giải quyết hơn. Vì vậy, Dự thảo Luật cũng nên bổ sung dự báo về tác động môi trường.
Một nội dung luôn thu hút sự quan tâm của DN và cộng đồng xã hội trong mỗi lần sửa Luật đó là các quy định đánh giá tác động môi trường, yêu cầu về giấy phép… Điều 41 của Dự thảo Luật lần này quy định về Báo cáo đánh giá tác động môi trường, thông tin chung về dự án; dữ liệu và phương pháp đánh giá tác động môi trường đã sử dụng… PGS.TS Đặng Kim Chi cho rằng, quy định này có thể gây khó khăn nếu trình tự, thủ tục không phù hợp với thực tế. Cùng với đó, Điều 159 Dự thảo Luật nên xác định giá dịch vụ xử lý chất thải, nước thải được thực hiện thông qua quá trình đấu thầu, cung cấp dịch vụ công...
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Bộ Dĩnh - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XII, XIII - cho rằng, giấy phép môi trường cần quy định rõ ràng hơn, bảo đảm dễ hiểu, dễ áp dụng với các đối tượng, tránh tối đa dẫn chiếu lòng vòng. Đồng thời, Báo cáo đề xuất cấp phép môi trường nên được thay đổi lại là "hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường" cho dễ hiểu, giống như quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác...
Tăng cường sự tham gia của các bên
Theo ý kiến của tổ chức Green ID, Dự thảo Luật cũng cần tăng cường sự tham gia của các bên, đặc biệt là của người dân trong công tác xây dựng, quản lý và thực thi quy định pháp luật. Cần phải có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội hoặc cần một cơ chế khác làm cho người dân nắm rõ được các thông tin cần thiết trong đánh giá tác động môi trường.
Đối với việc phân công, phân cấp và quy định trách nhiệm giữa các cơ quan liên quan, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Cụ thể, để công tác bảo vệ môi trường được nâng cao và hiệu quả, quan trọng nhất là tăng cường nhận thức của tất cả người dân, DN, cơ quan quản lý… Bên cạnh đó, là sự tham gia giám sát của tất cả các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và mỗi người dân. Do vậy, việc phân công, phân cấp và quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội rất cần thiết. Tuy nhiên, Điều 186 Dự thảo Luật vẫn quy định chung chung sẽ không giải quyết được vướng mắc, chồng chéo và đặc biệt là không làm rõ được trách nhiệm của các cơ quan trong công tác bảo vệ môi trường.
Các chuyên gia cho rằng, nhiều quy định trong dự thảo chưa phù hợp với thực tiễn, khó khả thi so với chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, như: Khoản 2, 3, Điều 13 về bảo vệ môi trường không khí; Khoản 7, Điều 23 về đa dạng sinh học; Khoản 3, Điều 27 về sức khỏe môi trường; Điều 55 về quản lý cụm công nghiệp; điểm C, Khoản 4, Điều 71 về quản lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy; Khoản 1, Điều 135 về phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường…
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-luat-khong-nam-tren-giay-137898.html