Để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào thực tiễn
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 14-6 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2020. Luật quy định các biện pháp để giảm mức tiêu thụ rượu, bia; quản lý việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia.
Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ra đời vào thời điểm rất phù hợp, khi thực tế xã hội xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia.
* Các hành vi bị nghiêm cấm
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, quy định một số địa điểm không được uống rượu, bia như: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc (trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia); các địa điểm công cộng theo quy định của Chính phủ...
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
Luật cũng quy định rõ cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân; học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
Đặc biệt, quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn được dư luận quan tâm và đồng tình khi Quốc hội thông qua. Luật gia Nguyễn Đức phân tích quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đại biểu Quốc hội, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra.
Ngoài 13 hành vi bị nghiêm cấm nói trên, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia còn quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia với những nội dung rất đáng chú ý như: không sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh, quảng cáo rượu, bia. Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh. Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia.
* Cần quy định rõ chế tài xử lý các vi phạm
Để Luật Phòng, chống rượu, bia đi vào cuộc sống, theo luật sư Nguyễn Đức, trong thời gian tới, cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan để có các biện pháp, chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi vi phạm pháp luật về giao thông do sử dụng rượu, bia. Ngoài ra Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn.
Luật sư Nguyễn Đức thì cho rằng, cần có quy định rõ những ai được xử phạt đối tượng vi phạm; phân quyền cho địa phương, cơ sở xử phạt ra sao; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức được phân quyền xử phạt. Đồng thời, theo luật sư Đức phải tăng cường lực lượng xử lý triệt để hành vi vi phạm luật và tiếp nhận thông tin tố giác của người dân phản ảnh người say rượu, bia, người nghiện rượu, bia vẫn tham gia giao thông...
Về vấn đề này, luật sư Cao Sơn Hà, Đoàn Luật sư tỉnh cũng cho rằng, trước thực trạng nhiều người vẫn còn thói quen sử dụng rượu, bia như hiện nay, để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đi vào cuộc sống không phải đơn giản. Để tránh tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa” phải có đủ lực lượng thực thi pháp luật nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm luật này. Nếu thực hiện luật không nghiêm, không thường xuyên sẽ phát sinh nhiều hình thức đối phó với cơ quan quản lý nhà nước.
“Luật Phòng, chống rượu, bia có quy định cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia. Đối với các quán nhậu bình dân mọc lên như nấm như hiện nay, ai sẽ dám đảm bảo tất cả khách nhậu tại đây đều được hỗ trợ thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia. Các cơ quan chức năng có quản lý hết họ hay không?” - luật sư Hà nêu vấn đề.