Để mặt hàng cá khô có cơ hội xuất khẩu
Đến thời điểm này, số lượng cá nục khô tồn đọng không xuất được sang Trung Quốc thời gian qua trên địa bàn xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đã dần được giải quyết. Qua sự cố này có thế thấy, khi Trung Quốc chuyển từ nhập khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch với yêu cầu phải truy xuất nguồn gốc hải sản, để đáp ứng yêu cầu của thị trường thì các doanh nghiệp và người dân bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất mới phát triển bền vững.
Chuyển hướng làm hàng gia công cho các công ty lớn
Lâu nay người sản xuất vẫn quen với khái niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính, nên khi phía Trung Quốc “mạnh tay” đưa ra những rào cản kĩ thuật, siết chặt thương mại nông sản, thủy sản qua đường tiểu ngạch, đẩy mạnh đường chính ngạch thì nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cá nục khô trên địa bàn tỉnh bị bất ngờ, lúng túng dẫn đến tình trạng hơn 1.000 tấn cá nục khô bị tồn đọng. Chi cục trưởng Chi cục Quản lí chất lượng nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLS&TS) Phan Hữu Thặng cho biết, để giải tỏa số lượng cá tồn kho nói trên, chi cục đã hướng dẫn các địa phương và cơ sở sản xuất- kinh doanh cá nục khô phối hợp với các cơ sở đã có tên trong danh sách cơ sở được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc ở các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa và 2 cơ sở trên địa bàn tỉnh là Công ty TNHH Ngọc Tuấn Surimi, Công ty TNHH thủy sản liên hiệp quốc tế Elites Việt Trung theo hướng gia công cho các công ty này để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo đó, sản phẩm cá nục khô được đăng kí để được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho từng lô hàng, có đầy đủ bao gói, nhãn mác đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo quy định. nhằm giải quyết lượng hàng tồn kho.
Đối mặt với tình hình khó khăn trên, các cơ sở thu mua cũng đã chủ động tìm hướng giải quyết. Anh Phan Văn Kiệm ở Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt cho biết, khi nghe tin Trung Quốc siết chặt nhập khẩu theo đường tiểu ngạch, ngưng thu mua sản phẩm cá khô không có truy xuất nguồn gốc, bên cạnh việc gửi đơn đến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đề nghị được hỗ trợ, anh đã chủ động tìm đến các công ty xuất khẩu thủy sản đã có mã số xuất hàng đi Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh để tìm hướng giải quyết hơn 100 tấn cá nục khô tồn đọng trong kho. Sau khi thương lượng, đã có một công ty ở thành phố Hồ Chí Minh đồng ý nhận cơ sở của anh làm đơn vị gia công cho họ. Theo quy định, sản phẩm cá nục khô của cơ sở làm hàng gia công phải tuân thủ theo các yêu cầu chất lượng do phía công ty đưa ra. Sau khi kiểm tra đạt tiêu chuẩn, phía công ty sẽ xuất khẩu sản phẩm do cơ sở của anh sản xuất thông qua bao bì, nhãn mác của họ. “Tôi đã xuất khẩu được 2 container cá nục khô bằng đường biển qua cảng Cát Lái, thành phố Hồ Chí Minh và chuẩn bị xuất những lô hàng tiếp. Số cá nục đã bị giảm chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn để xuất khẩu thì tìm cách giải quyết khác để hạn chế thiệt hại thấp nhất”, anh Kiệm nói.
Đối với 600 tấn cá khô tồn đọng của các cơ sở thu mua trên địa bàn xã Gio Việt, để kịp thời hỗ trợ các hộ dân giải quyết, ngoài việc UBND xã khẩn trương gửi văn bản báo cáo với UBND huyện và sở, ngành liên quan, đích thân Phó Chủ tịch UBND xã Trần Thanh Hải đã liên hệ với các công ty có mã số xuất khẩu thủy sản tại các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa và cùng với các chủ kho hàng có cá khô bị tồn đọng vào tận nơi để tìm giải pháp tháo gỡ cho số lượng cá khô này. “Đến thời điểm hiện tại, xã Gio Việt cơ bản đã giải quyết số cá nục khô tồn đọng, chỉ còn khoảng 150 tấn cá khô bị giảm chất lượng do nhiều nguyên nhân nên không đáp ứng yêu cầu của các công ty xuất khẩu. Hoạt động của các cơ sở hấp sấy cá cũng như các cơ sở thu mua đã trở lại bình thường. Giá thu mua cá tươi để đưa vào hấp sấy của thương lái cũng đã nhích lên trên 13.000 đồng/kg”, ông Hải thông tin.
“Giấy thông hành” để xuất khẩu thủy sản bền vững
Sự cố xuất khẩu cá khô theo đường tiểu ngạch gặp trục trặc vừa qua vừa là “cú sốc” nhưng cũng là bài học đối với người dân và doanh nghiệp khi làm ăn với thương lái Trung Quốc cũng như xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này. Ngoài việc ngư dân cần tuân thủ nghiêm túc quy định ghi nhật kí khai thác, kê khai rõ ràng sản lượng đánh bắt thủy sản, nguồn gốc thủy hải sản, các doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến thủy sản trong tỉnh cần cải thiện điều kiện cơ sở sản xuất, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm sản phẩm để đăng kí vào danh sách doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo đó, sản phẩm phải có đầy đủ bao bì, nhãn mác đảm bảo truy xuất nguồn gốc theo quy định từ phía nhà nhập khẩu. Hiện tại, đối với Công ty TNHH MTV Phương Oanh (xã Gio Việt), bên cạnh việc chuyển hướng sang làm gia công cho những công ty đã được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, công ty đã liên hệ với Chi cục QLCLNLS&TS tỉnh và Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 tiến hành cải tạo, nâng cấp nhà xưởng để đủ điều kiện chứng nhận cơ sở đảm bảo an toàn thực phẩm xuất khẩu theo quy định. Theo Giám đốc Công ty Trần Thị Hương, với 4 kho lạnh dự trữ cá khô đúng quy chuẩn, chị đã đầu tư kinh phí để xây dựng thêm nhà xưởng đáp ứng yêu cầu. Các thủ tục đã cơ bản hoàn thành, chờ phía Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 thẩm định, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp Chứng thư cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và đề xuất đưa vào danh sách doanh nghiệp đăng kí xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc. Đến lúc đó, mặt hàng cá khô có bao bì, nhãn mác đảm bảo truy xuất nguồn gốc được xuất khẩu theo đường chính ngạch sẽ đảm bảo cho công ty tránh rủi ro về an toàn thực phẩm và chất lượng lô hàng.
Chia sẻ về hướng làm các thủ tục để đăng kí vào danh sách doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc, anh Phan Văn Kiệm, ở thị trấn Cửa Việt cho biết hiện anh vẫn đang trong quá trình tìm hiểu thông tin. Trước mắt lựa chọn là đối tác làm hàng gia công cho các công ty lớn vẫn là giải pháp tối ưu đối với cơ sở thu mua của gia đình anh Kiệm.
Trong chuyến làm việc tại tỉnh Quảng Trị mới đây của Cục trưởng Cục QLCLNLS&TS Nguyễn Như Tiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hơn 1.000 tấn cá khô tồn đọng, ông Tiệp cho rằng, giải pháp lâu dài các cơ sở sản xuất, thu mua cá khô trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cần phải nâng cấp nhà xưởng, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định của phía Trung Quốc để được Cục QLCLNLS&TS cấp phép bổ sung vào danh sách các doanh nghiệp được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, để tránh đầu tư dàn trải, các cơ sở này nên liên kết với nhau thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá khô của mình. Có như vậy mới phát triển bền vững được. “Những thay đổi về chính sách nhập khẩu nông, thủy sản của Trung Quốc hiện nay hoàn toàn phù hợp với xu thế tiêu dùng toàn cầu. Nhiều quốc gia trong khối ASEAN đang có nhiều thay đổi về phương thức sản xuất để phù hợp với thị trường nhập khẩu lớn là Trung Quốc. Do vậy, nếu không sớm thay đổi để thích ứng thì nhiều khả năng Quảng Trị nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ mất vị thế ở thị trường rộng lớn này”, ông Tiệp nhấn mạnh.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=141901