Đề minh họa các môn xã hội dễ nhưng học sinh không nên chủ quan
Một số giáo viên chung nhận định đề minh họa giữ ổn định về mặt cấu trúc, mức độ tương đương đề minh họa lần đầu của Bộ GD&ĐT, độ phân hóa không cao.
Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Đây là định hướng quan trọng để thí sinh học tập và ôn luyện khi ngày thi đã gần kề. Các em chỉ còn 2 tháng để hoàn thành chương trình lớp 12 và ôn tập.
Đề Văn phân hóa không cao
Theo thầy Nguyễn Đức Anh, giáo viên Ngữ văn trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), về cơ bản, đề thi minh họa môn Văn không khác cách hỏi so với đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT công bố từ đầu tháng 4 và đề chính thức của một số năm gần đây. Sự ổn định này là cần thiết để tránh gây hoang mang cho thí sinh trong bối cảnh nghỉ dịch kéo dài.
Thầy giáo này ấn tượng với câu nghị luận xã hội 200 chữ bàn về vấn đề sự cần thiết tôn trọng quan điểm cá nhân của người khác.
"Vài năm trở lại đây, thí sinh đã phải gồng lên để viết về trách nhiệm đánh thức tiềm lực quá đao to búa lớn hay nhàm chán khi viết về ý chí về sự thấu cảm như trong đề thi 3 năm qua. Vấn đề nghị luận trong đề minh họa mới mẻ và vừa vặn với các em hơn", thầy Đức Anh nhận định.
Nhận xét về độ khó và sự phân hóa, thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), cho rằng đề thi nhẹ nhàng, chủ yếu ở mức độ cơ bản, bám sát chương trình tinh giản do Bộ GD&ĐT công bố trước đó.
Thầy Minh phân tích phần đọc hiểu ra một đoạn trích trong “Tất cả đều là chuyện nhỏ” của Richard Carlson và hỏi 4 câu nhỏ.
3 câu đầu tiên ở mức độ nhận biết, đọc vào thấy ngay câu trả lời, gần như các thí sinh đều làm được.
Câu 4 (mức độ vận dụng) cũng tương đối nhẹ nhàng. Câu nghị luận xã hội được ra ở mức độ bình thường, không làm khó học sinh.
Điều khác biệt nằm ở câu nghị luận văn học, yêu cầu trình bày cảm nhận về khung cảnh thiên nhiên và hình ảnh người lính trong một đoạn thơ trong “Tây Tiến” của Quang Dũng. Câu này chỉ ra ở mức độ cơ bản mà không có yêu cầu nâng cao kèm theo như mọi năm.
Chính vì đề thi chủ yếu được ra ở mức cơ bản, theo giáo viên dạy Văn tại Phú Yên, sự phân hóa không cao. Những học sinh khá, giỏi cũng không có chỗ để thể hiện sức nghĩ, sức viết của mình.
Chung nhận định, thầy Đức Anh cũng thấy câu nghị luận văn học không mới, khó phân loại thí sinh với kiểu yêu cầu đơn thuần như vậy.
"Khá nhiều thí sinh loại Tây Tiến và Vợ Chồng A Phủ ra khỏi nội dung ôn tập vì đã ra trong đề thi tham khảo và minh họa. Nhưng các thầy cô cần cảnh báo học sinh về một số nội dung vẫn có thể ra như đoạn hai bài Tây Tiến hoặc nhân vật Mị trong đêm mùa đông cắt dây cởi trói cứu A Phủ", thầy Đức Anh nhắn nhủ.
Theo thầy Minh, với đề thi như vậy, những trường đại học, đặc biệt top trên, nếu sử dụng kết quả của kỳ thi, sẽ khó chọn lựa chính xác học sinh.
Bài thi Khoa học xã hội nhẹ nhàng
Với đề minh họa môn Địa lý, cô Đỗ Thị Lan Anh, giáo viên Địa lý trường THPT Lương Văn Chánh, Phú Yên, đánh giá đề tương đối dễ.
Đề có thay đổi nhỏ về nội dung chương trình và số lượng câu hỏi giữa các phần kiến thức so với đề thi minh họa Bộ GD&ĐT công bố vào đầu tháng tư năm nay.
Nội dung nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không có câu nào trong chương trình lớp 11 như đề thi minh họa THPT quốc gia vừa công bố và đề thi chính thức của các năm 2018, 2019. Điều này phù hợp nội dung giảm tải và tình hình dạy học bị gián đoạn do dịch bệnh như năm nay.
Trong khi đó, giáo viên Lịch sử lại tỏ ra bất ngờ khi nội dung được tinh giản lại xuất hiện trong đề thi minh họa.
Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên Lịch sử trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), nhận xét đề thi tập trung lớp 12, có một số câu liên hệ nội dung lớp 11 trong phần vận dụng ở lớp 12.
Đề gồm 10 câu lịch sử thế giới, 30 câu lịch sử Việt Nam. Độ phân hóa ở một số câu khó nhưng không nhiều và độ phân hóa tương đương với đề minh họa Bộ GD&ĐT công bố vào tháng tư. Đề thi tương đối phù hợp để xét tốt nghiệp.
"Điều duy nhất mà đề minh họa cho thấy sự bất ngờ là phần học sinh tự học vẫn xuất hiện trong đề thi minh họa, dù trước đó bộ từng cho biết là phần giảm tải và hướng dẫn tự học không ra trong đề thi", cô Thảo nói.
Đề minh họa môn Giáo dục công dân được đánh giá cập nhật những vấn đề mang tính thời sự, nhiều tình huống liên quan dịch bệnh Covid-19, có tính ứng dụng thực tiễn và tính giáo dục cao.
Thầy Trần Công Hưng, giáo viên môn Giáo dục công dân, trường THPT Chuyên Nam Định (Nam Định), nhận xét đa phần câu hỏi trong đề thi tham khảo môn Giáo dục công dân tập trung ở nội dung kiến thức học kì I lớp 12, không có câu hỏi thuộc đơn vị kiến thức giảm tải. Đề tham khảo diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, đúng tinh thần “học gì thi nấy”.
Số lượng câu hỏi ở cấp độ nhận biết và thông hiểu trong đề tham khảo chiếm khoảng 50%, điều này chứng tỏ số câu vận dụng và vận dụng cao đã giảm so với đề thi của những năm trước.
Dù vậy, đề vẫn có những câu hỏi vận dụng đòi hỏi học sinh phải biết phân tích, tổng hợp và đối sánh những kiến thức đã học với thực tế.