Để mỗi con tàu là một cột mốc chủ quyền trên biển
'Các tàu mỗi lần cập bến đều rất phấn khởi bởi không chỉ thu hoạch được nhiều tôm, cá mà còn được chăm lo và bảo vệ trong mỗi chuyến ra khơi. Có được điều này, theo nhận định của tôi, một phần không nhỏ là nhờ vào Chương trình 'Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển' mà các đơn vị hải quân đã thực hiện trong thời gian gần đây…' - đó là chia sẻ của Phó Giám đốc Cảng cá thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận - Võ Thành Quý.
Hơn 3 năm qua, Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” được tuyên truyền và cụ thể hóa bằng nhiều nghị quyết của Đảng vào trong nhân dân, nhất là ngư dân ven biển. Trong đó, tiêu biểu là Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá Đỗ Hồng Duyên - Chủ nhiệm Chính trị Vùng 2, cho biết: Từ khi Chương trình được khởi động, đơn vị chỉ đạo các lực lượng toàn Vùng, cả trên biển và ở đất liền làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho ngư dân. Đơn vị phối hợp chặt chẽ các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo gắn với bảo vệ hoạt động hợp pháp và tài sản, tính mạng của ngư dân trên biển. Hướng dẫn, vận động ngư dân khai thác thủy sản bền vững, an toàn, đúng quy định của pháp luật, không xâm phạm vào vùng biển của các nước trong khu vực. Đồng thời, thường xuyên hỗ trợ ngư dân về lương thực, nước ngọt, nhiên liệu, khắc phục sự cố phương tiện đánh bắt, khám, chữa bệnh cho ngư dân, giúp ngư dân vững tin vươn khơi, bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Để chương trình hàng năm đạt hiệu quả cao, theo kinh nghiệm của Vùng là phải chủ động phối hợp địa phương để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động ngư dân. Tăng cường vai trò lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể về công tác phối hợp tuyên truyền, vận động và hỗ trợ ngư dân. Phát huy vai trò, công năng của các phương tiện thông tin đại chúng trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về biển, đảo. Phát huy tối đa nguồn kinh phí trên cấp và huy động các nguồn kinh phí từ địa phương, doanh nghiệp để cùng tham gia các hoạt động hỗ trợ ngư dân.
Trung tá Phạm Ngọc Hưng - Trưởng Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Vùng 2, chia sẻ: Để chương trình ngày càng có chiều sâu, hàng năm, các tỉnh, thành ven biển triển khai đầy đủ các nội dung trong chương trình. Các đơn vị trong Vùng làm tốt công tác phối hợp địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn nhằm giúp mỗi chủ tàu cũng như mỗi người đi trên tàu nắm được luật pháp, chấp hành tốt các quy định khai thác trên ngư trường thuộc chủ quyền của Việt Nam. Song song đó, cần vận dụng triệt để các chính sách của Trung ương, của tỉnh về hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các tàu thuyền gắn, sử dụng thiết bị định vị và ghi chép nhật ký hành trình việc ra, vào bến cảng. Nghiêm khắc xử lý đối với các trường hợp không chấp hành đúng quy định của Nhà nước và địa phương.
Cùng với công tác tuyên truyền, vận động thì việc hỗ trợ, tìm kiếm, cứu nạn ngư dân trên biển phải có sự chủ động, tích cực, kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của ngư dân. Các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển phối hợp tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn với bảo vệ an ninh, an toàn cho ngư dân theo đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tiếp nhận và phối hợp các lực lượng có liên quan xử lý kịp thời các thông tin do ngư dân cung cấp, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia trên vùng biển được phân công quản lý. Khi có tình huống xảy ra, mỗi con tàu là một cột mốc chủ quyền, mỗi ngư dân sẽ là một tiền đồn trinh sát, một mũi tiến công để phối hợp Quân đội, nòng cốt là Hải quân nhân dân Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.
Hơn 3 năm qua, Vùng 2 đã thực hiện 46 buổi tuyên truyền/133 giờ cho hơn 300 tàu cá/32.056 ngư dân; phát 17.500 tờ rơi, tặng 8.000 lá cờ Tổ quốc, 1.550 áo phao, 2.500 khẩu trang y tế (trị giá gần 2 tỉ đồng) cho ngư dân. Tổ chức cứu nạn được 5 tàu cá bị nạn trên biển; sửa chữa, khắc phục hỏng cho 73 tàu; cung cấp 15 tấn lương thực, thực phẩm cùng hơn 1.000m3 nước ngọt; khám, sơ cấp cứu, điều trị, cấp thuốc cho 332 ngư dân bị nạn trên biển. Đặc biệt, ngày 27/4/2020, Vùng đã cứu được 30 ngư dân trên tàu cá QNa 95654 của tỉnh Quảng Nam gặp nạn tại vùng biển DK1, về bờ an toàn.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/de-moi-con-tau-la-mot-cot-moc-chu-quyen-tren-bien-a140850.html