Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Được triển khai từ đầu năm học 2017 - 2018, đến nay, Phòng tham vấn tâm lý học đường, một chương trình thuộc Dự án 'Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng' do Tổ chức Plan International Việt Nam (Plan) phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị thực hiện đã đạt được nhiều kết quả. Nơi đây dần trở thành địa chỉ tin cậy để học sinh tìm đến mỗi khi cần sự hỗ trợ hay chia sẻ về những vấn đề, khó khăn mà các em đang gặp phải.
“Nếu không được thầy, cô hỗ trợ, tư vấn tâm lý, có lẽ em đã bỏ học từ lâu”, em H.T.T.H., hiện đang học tại Trường THCS Xy, xã Xy, huyện Hướng Hóa chia sẻ như thế khi được hỏi về vai trò của Phòng tham vấn tâm lý học đường. Với cô học trò nhỏ này, đó là nơi để em mạnh dạn chia sẻ nỗi lòng, những áp lực, khó khăn gặp phải khi đến trường. Trước những giáo viên luôn lắng nghe mình, H. không còn cảm thấy lo lắng, sợ hãi, thay vào đó, việc được đi học với em chính là một niềm vui. Được biết, H. từng rất sợ phải đến trường, bởi hoàn cảnh em tương đối khó khăn, tính cách lại rụt rè. Điều này khiến em trở thành đối tượng bị bạn bè thường xuyên bắt nạt. Thế nhưng 4 năm qua, nhờ có Phòng tham vấn tâm lý học đường, H. được thầy, cô lắng nghe, giải đáp nhiều thắc mắc; giải tỏa phần nào cảm xúc, từ đó dần cởi mở, tự tin hơn với bạn bè cùng những người xung quanh.
Thầy giáo Nguyễn Đăng Quân, người trực tiếp phụ trách Phòng tham vấn tâm lý học đường tại Trường THCS Xy cho biết, hầu hết học sinh trước và sau khi được tham vấn tâm lý đều có nhiều thay đổi. Trước đây, học sinh thường rụt rè, khi có vấn đề xảy ra như: áp lực thi cử, bị bạo lực học đường, bạo lực gia đình... đều không chia sẻ cùng ai mà chọn cách giữ bí mật hoặc tự mình giải quyết.
Một vài em trong số đó thậm chí không biết và không hiểu rõ về vai trò của Phòng tham vấn trong nhà trường, từ đó nảy sinh tâm lý e ngại. Thế nhưng bây giờ, học sinh của trường đã chủ động, mạnh dạn gặp thầy, cô làm công tác tham vấn học đường để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng... và được tư vấn cách xử lý phù hợp với từng tình huống.
“Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện tư vấn tâm lý cho hơn 330 lượt học sinh và cả phụ huynh. Nhờ hiểu được vai trò và chức năng của Phòng tham vấn, số lượt học sinh đến đây ngày càng nhiều hơn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng công tác tham vấn của nhà trường. Tỉ lệ học sinh bị bạo lực học đường, bạo lực tinh thần, bỏ học cũng nhờ thế mà giảm đi đáng kể”, thầy Quân bộc bạch.
Tại Trường THCS Thuận, xã Thuận, huyện Hướng Hóa, trung bình mỗi tuần, thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ phụ trách Phòng tham vấn tâm lý của trường lại tiếp khoảng 20 lượt học sinh có nhu cầu được chia sẻ tâm tư, nỗi niềm.
Là người được tham gia nhiều chương trình tập huấn do Plan tổ chức để bổ trợ kiến thức trong thực hiện nhiệm vụ tham vấn tâm lý, hơn ai hết, thầy Tuấn hiểu được rằng, độ tuổi từ 12 - 16 là rất nhạy cảm, là thời điểm các em có những thay đổi về cả thể chất lẫn tâm lý. Do đó, việc được tư vấn tâm lý là điều cần thiết, giúp thầy cô kịp thời định hướng suy nghĩ cho học sinh, giảm thiểu tối đa những sự việc đáng tiếc trong nhà trường có thể xảy ra.
Thầy Tuấn cho hay: “Tại Phòng tham vấn tâm lý, tôi và học sinh trở thành những người bạn. Chúng tôi lắng nghe các em chia sẻ sự thay đổi về tâm sinh lý, các vấn đề khó khăn trong học tập; ngược lại, các em nghe lời khuyên từ chúng tôi. Đáng mừng là sau những lượt tham vấn tâm lý, các em dần tự tin hơn, hiểu rõ bản thân hơn và ngày càng tập trung hơn cho việc học”.
Ngoài ra, thầy Tuấn cũng chia sẻ, qua chương trình Phòng tham vấn tâm lý học đường nói riêng và dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” nói chung, không chỉ học sinh là đối tượng duy nhất được hưởng lợi mà cả phụ huynh và giáo viên cũng có thêm nhiều kiến thức bổ ích để phục vụ trong công việc và cuộc sống.
Đại diện Tổ chức Plan thông tin thêm, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có khoảng 20 trường học được lựa chọn để xây dựng Phòng tham vấn tâm lý học đường. Để chương trình được triển khai thành công, phía đơn vị đã hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị; tổ chức nhiều đợt tập huấn cho cán bộ, giáo viên phụ trách công tác tham vấn tâm lý cho học sinh.
Qua 4 năm thực hiện, tổng số lượt tham vấn cá nhân là 2.486 lượt; số lượt tham vấn nhóm là 1.260 lượt. Các nội dung được tham vấn xoay quanh các vấn đề về bạo lực thân thể, bạo lực tinh thần, khó khăn trong học tập, trong các mối quan hệ và những vấn đề khác.
Ở độ tuổi đang có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, việc phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp kịp thời đối với học sinh đang gặp phải khó khăn về tâm lý trong học tập và cuộc sống để tìm hướng giải quyết phù hợp là giải pháp hiệu quả nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. Đồng thời, giúp các em có những kiến thức và kỹ năng cần thiết để vượt qua những trở ngại của bản thân.
Từng là cô bé rụt rè, suýt chút nữa em Hồ Thị T.H, lớp 9, Trường THCS Thuận trở thành nạn nhân của nạn tảo hôn. Thế nhưng nhờ có sự tham vấn tích cực của thầy, cô giáo trong trường, cả bố mẹ và bản thân cô bé hiểu được rằng, ở độ tuổi của em, việc học là quan trọng nhất, cần phải được đặt lên hàng đầu.
Vượt qua khó khăn đó, đến nay, H. đã trở thành một trong những học sinh gương mẫu của lớp, của trường, được thầy, cô, bạn bè quý mến. “Em cảm thấy may mắn khi được thầy, cô tư vấn, định hướng kịp thời, để em biết mỗi ngày đến trường luôn là một ngày vui. Xin cảm ơn các thầy, cô giáo và Tổ chức Plan rất nhiều”.