Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Khi còn là học sinh, vào đầu tiết học, tôi chỉ mong thầy cô đừng gọi đến tên của mình. Cảm giác căng thẳng kéo dài suốt khoảng 10-15 phút kể từ khi giáo viên bước vào lớp, mở cuốn sổ điểm và bắt đầu đưa bút từ trên xuống dưới trang giấy để dò tên học sinh. Nhiều thầy cô lại chọn cách 'nắm bắt tâm lý', đưa mắt nhìn một lượt học sinh bên dưới và bất ngờ gọi tên ai đó.

Trong lúc thầy cô đang quan sát thì tất cả chúng tôi đều cúi mặt xuống bàn hoặc nhìn đi chỗ khác, hạn chế chạm vào ánh mắt của giáo viên vì đó có thể là “tín hiệu” để bị gọi lên bảng. Tất cả chỉ thật sự nhẹ nhõm khi cuốn sổ ấy được gấp lại, để sang một bên hoặc khi giáo viên đứng dậy ghi đầu đề bài mới lên bảng. Thú thực, hiếm khi tôi đạt điểm cao lúc mỗi sáng đầu giờ. Dù ở nhà đã học thuộc bài trôi chảy nhưng khi được gọi lên bảng, đứng bên cạnh cô giáo đang chăm chú lật vở kiểm tra, bên dưới là hàng chục ánh mắt đang đổ dồn vào mình, tôi lại ấp úng, quên trước quên sau.

Hẳn ai cũng đã từng bị rơi vào trạng thái quên “bất tử” khi bị hỏi đột ngột về một vấn đề nào đó mà mình vốn rất tường tận, kỹ càng. Dù có cố gắng đến mấy, chúng ta cũng không thể nhớ ngay mà phải mất một lúc sau, khi câu hỏi đó đã qua đi. Việc kiểm tra bài cũ cũng vậy, khi đột nhiên bị gọi lên bảng, học sinh rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng và khó có thể tập trung suy nghĩ để mà hoàn thành thật tốt câu trả lời.

Thực tế, nhiều thầy cô đã cố gắng đổi mới cách kiểm tra bài cũ để tạo sự hứng thú cũng như giảm bớt căng thẳng cho học sinh bằng màn đố vui có thưởng, thêm điểm cộng, cho học sinh thảo luận theo nhóm, làm bài theo nhóm… Trên nhiều diễn đàn, bên cạnh ý kiến của học sinh thì nhiều giáo viên cũng cho rằng hình thức kiểm tra bài cũ đầu giờ là không cần thiết và tốn thời gian của tiết học. Một số giáo viên cho rằng, chỉ cần trong lúc giảng bài mới, có những phần kiến thức liên quan đến bài cũ, bằng cách đặt câu hỏi thì cũng có thể kiểm tra được mức độ nắm bài và hiểu bài của học sinh.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 của Quận 3, ông Nguyễn Văn Hiếu-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Hồ Chí Minh đã nêu quan điểm về việc kiểm tra bài cũ theo kiểu kêu bất chợt, gọi bất chợt. Theo ông Hiếu, phương pháp này gây áp lực, căng thẳng cho học sinh, trong khi đó, nhiều học sinh vừa đến trường, vừa ăn sáng, ôn bài và lo lắng bị hỏi bài cũ. Người đứng đầu ngành GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh hình thức, chất lượng giảng dạy góp phần quan trọng để xây dựng trường học hạnh phúc, học sinh đến trường vui vẻ, tự tin. Giáo viên có thể bắt đầu tiết dạy bằng nhiều hình thức nhẹ nhàng, sinh động, giúp học trò thích thú để mỗi sáng thức dậy các em háo hức đến trường. Ý kiến của ông Hiếu nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ không chỉ của học sinh, phụ huynh mà cả của các thầy-cô giáo.

Suy cho cùng, giáo dục là quá trình truyền đạt và tiếp nhận kiến thức, kỹ năng. Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về đánh giá học sinh THCS và THPT được thực hiện theo lộ trình từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 7, lớp 10; từ năm học 2023-2024 với lớp 8, lớp 11 và từ năm học 2024-2025 với lớp 9, lớp 12, ngoài đánh giá định kỳ, học sinh được đánh giá thường xuyên thông qua nhiều hình thức đa dạng: hỏi-đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập. Quan điểm xuyên suốt là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng sự tương tác giữa thầy và trò để học sinh tiến bộ trong quá trình đánh giá. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào sức sáng tạo, sự tích cực của cả thầy-cô giáo và học sinh. Tùy theo điều kiện, đối tượng học sinh và yêu cầu cụ thể của nội dung học tập, có thể lựa chọn cách dạy học, đánh giá khác nhau, khơi gợi được khả năng, niềm yêu thích của các em đối với việc học, để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.

PHƯƠNG VI

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/de-moi-ngay-den-truong-la-mot-ngay-vui-post249435.html