Để mọi trẻ em đều được nuôi bằng sữa mẹ

Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) diễn ra từ ngày 1 - 7/8 hàng năm nhằm khuyến khích sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội để mọi trẻ em đều có cơ hội hưởng nguồn dinh dưỡng không thể thay thế từ sữa mẹ.

Sữa mẹ được biết đến là nguồn dinh dưỡng lý tưởng nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ảnh: BV Phụ sản Hà Nội.

Sữa mẹ được biết đến là nguồn dinh dưỡng lý tưởng nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ảnh: BV Phụ sản Hà Nội.

Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về việc triển khai Tuần lễ thế giới NCBSM năm 2024. Với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ NCBSM cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương”, Tuần lễ thế giới NCBSM năm 2024 đẩy mạnh hỗ trợ NCBSM cho tất cả các bà mẹ, giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Đặc biệt, tập trung vào hỗ trợ NCBSM trong các tình huống khẩn cấp, những bà mẹ dễ bị tổn thương, những người có thể cần thêm sự hỗ trợ để giảm bất bình đẳng trong việc NCBSM.

Để hưởng ứng Tuần lễ NCBSM năm 2024, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm đảm bảo việc hỗ trợ NCBSM cho tất cả các bà mẹ, đặc biệt các bà mẹ thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố hướng dẫn các khu công nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn triển khai phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cùng đó, yêu cầu các địa phương căn cứ điều kiện thực tế, chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn triển khai các hoạt động thúc đẩy NCBSM. Đồng thời, duy trì hoạt động tư vấn cho phụ nữ mang thai và bà mẹ sau sinh về lợi ích NCBSM. Hướng dẫn các bà mẹ đang NCBSM cho con bú đúng, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, bú kéo dài đến 24 tháng và cách duy trì nguồn sữa mẹ. Thực hiện chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ được bú mẹ sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Đảm bảo nhóm trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý cần được hỗ trợ để được tiếp cận với nguồn sữa mẹ.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị y tế tuyến cơ sở tăng cường triển khai truyền thông cho các cấp, các ngành và người dân về tầm quan trọng của việc cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi. Sữa mẹ không những đảm bảo sức khỏe lâu dài cho bà mẹ, trẻ em mà còn giúp nâng cao sức khỏe, bảo vệ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong bối cảnh các bệnh truyền nhiễm ngày một gia tăng.

Tuần lễ Thế giới NCBSM được Liên minh Thế giới Hành động vì NCBSM (WABA) từ năm 1991, diễn ra từ ngày 1 - 7/8 hàng năm. Đây là một hoạt động thường niên nhằm khuyến khích sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội để mọi trẻ em đều có cơ hội hưởng nguồn dinh dưỡng không thể thay thế từ sữa mẹ.

Sau 33 năm triển khai, Tuần lễ NCBSM đã trở thành một sự kiện quan trọng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam, với các hoạt động hưởng ứng đa dạng trên toàn thế giới.

Tính tới năm 2023, Việt Nam có 5 ngân hàng sữa mẹ tại 4 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TPHCM và 2 ngân hàng sữa mẹ vệ tinh tại Quảng Nam và Cần Thơ. Dù hệ thống ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam đã đủ năng lực để cung cấp cho nhu cầu trên toàn quốc, chi phí của sữa mẹ hiến tặng thanh trùng vẫn là rào cản chính ngăn cản trẻ sơ sinh được tiếp cận với nguồn dinh dưỡng quý giá này.

Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ được Liên minh Thế giới Hành động vì nuôi con bằng sữa mẹ (WABA) phát động từ năm 1991, diễn ra từ ngày 1 - 7/8 hàng năm. Đây là một hoạt động thường niên nhằm khuyến khích sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội để mọi trẻ em đều có cơ hội hưởng nguồn dinh dưỡng không thể thay thế từ sữa mẹ.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/de-moi-tre-em-deu-duoc-nuoi-bang-sua-me-10287515.html