Để một kỳ nghỉ hè an toàn
Nghỉ hè là thời gian trẻ được nghỉ học, tự do vui chơi, tham gia các hoạt động bơi lội, giải trí. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích ở trẻ tăng cao. Để kỳ nghỉ hè của các em thêm phần bổ ích, an toàn, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, nhà trường cùng phụ huynh đã chủ động trang bị các kỹ năng cơ bản giúp trẻ phòng tránh các rủi ro tai nạn có thể xảy ra.
Nhiều nỗi lo
Hiện nay, học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chính thức bước vào kỳ nghỉ hè. Đây là thời điểm các em rời cánh cửa nhà trường về với vòng tay của gia đình. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, do tính chất công việc, rất ít phụ huynh được nghỉ hè. Thời gian này, các em chủ yếu ở cùng ông bà hoặc ở nhà 1 mình, khiến nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích tăng cao.
Có nhiều kiểu tai nạn thương tích xảy ra đối với trẻ em. Tùy từng độ tuổi, từng môi trường, trẻ em có những nguy cơ gặp tai nạn khác nhau. Nhiều trẻ em bị tai nạn thương tích ngay trong ngôi nhà của mình với chính những vật dụng trong gia đình như: Ổ điện, đồ dùng bằng điện, phích nước...Đối với trẻ em dưới 3 tuổi, nhà ở là nơi xảy ra các tai nạn thương tích cao, mặc dù các em đã được người lớn trông nom. Những tai nạn này thường là: Bỏng nước sôi, điện giật, cánh quạt đánh, ngã, hóc, ngạt thở... Có nhiều em bị bỏng nặng do sự bất cẩn của người lớn: Bỏng bình gas, bỏng nước nóng khi đi tắm, giẫm vào những đồ vật nhọn...Nhiều trường hợp, các em bị tai nạn thương tích do chính đồ chơi mà người lớn bày ra cho trẻ, đó là những đồ chơi bằng vật sắc, dễ vỡ (con giống, bình, lọ).
Đối với trẻ từ 6 tuổi trở lên, tai nạn thương tích xảy ra phổ biến nhất thường là đuối nước, đặc biệt là ở các khu vực có nhiều ao, hồ, sông suối. Tại Hà Nội, trong những tháng hè, thời tiết nắng nóng, không ít vụ việc đuối nước đã xảy ra. Thông tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, tính riêng trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2024 (từ ngày 27/4 - 1/5), trên địa bàn thành phố xảy ra liên tiếp 8 vụ đuối nước, khiến 9 người tử vong.
Trong các vụ đuối nước thương tâm trên, các nạn nhân đều trong độ tuổi thanh, thiếu niên, để lại hậu quả đau lòng. Đặc biệt là vụ việc đuối nước xảy ra ngày 29/4 trên địa bàn phường Long Biên, quận Long Biên đã khiến 2 em học sinh tử vong. Theo đó, ngày 29/4, 5 em học sinh (đa số sinh năm 2007), rủ nhau trốn bố mẹ ra sông Hồng (đoạn dưới chân cầu Vĩnh Tuy) để bơi lội giải nhiệt. Tại khu vực trên, mặc dù nước xuống thấp, lộ rõ nhiều bãi bồi nhưng do các em thiếu kỹ năng, cộng thêm thời tiết nắng gay gắt nên đã có 2 em bị đuối nước.
Không chỉ riêng Hà Nội, thời gian gần đây, các địa phương trên cả nước cũng đã xảy ra không ít vụ đuối nước ở trẻ em. Điển hình như vụ 2 trẻ sinh năm 2017 và 2020 đuối nước tại bể bơi riêng trong căn hộ nghỉ dưỡng tại Bãi Cháy (Quảng Ninh). Trong đó, bé sinh năm 2017 đã tử vong, bé sinh năm 2020 trong tình trạng suy đa tạng phải lọc máu.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù số trẻ em đuối nước giảm dần trong những năm gần đây, nhưng đây vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Chị Hoàng Thị Lành (An Dương, Tây Hồ) lo lắng: “Gia đình tôi có 1 con trai 5 tuổi, cháu vừa bước vào kỳ nghỉ hè không lâu, nhưng gia đình đang rất đau đầu về vấn đề đảm bảo an toàn cho cháu, vì ông bà ngoại đều ở quê, bố mẹ phải đi làm từ sáng sớm tới chiều tối. Dù đã rèn luyện cho con một số kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích nhưng vợ chồng tôi đều không yên tâm khi để con ở nhà một mình”.
Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và phụ huynh
Với mong muốn giúp các học sinh có kỳ nghỉ an toàn, lành mạnh, ngay trước kỳ nghỉ hè, các địa phương của thành phố Hà Nội đã hướng dẫn, phổ biến các kỹ năng phòng, tránh tai nạn, thương tích, đuối nước cho học sinh. Tại quận Long Biên (Hà Nội), ngày 27/5, Ủy ban nhân dân quận đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức chuyên đề “Phòng, chống đuối nước - kỹ năng xử lý khi gặp hỏa hoạn”. Chương trình diễn ra và được tiếp sóng trực tiếp trên 2 nền tảng Youtube và Fanpage của ngành Giáo dục và đào tạo quận Long Biên cùng toàn thể giáo viên, học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận với 1.603 lớp tham gia.
Công tác tuyên truyền kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống đuối nước cho học sinh trước dịp nghỉ hè cũng được quận Tây Hồ triển khai tại các trường học. Bên cạnh đó, Công an cơ sở cũng tăng cường công tác tuần tra tại các địa điểm nguy hiểm như khu vực ven sông để nhắc nhở, cảnh báo thanh thiếu niên và người dân không tắm sông hoặc chơi đùa gần bờ sông, tránh xảy ra tai nạn, đuối nước.
Ngoài ra, trong tháng 5, tháng 6, các địa phương cũng triển khai phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 nhằm đảm bảo cho trẻ có một mùa hè an toàn, ý nghĩa. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương cho biết, hiện 8/8 phường của quận Tây Hồ đã xây dựng kế hoạch và phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan thuộc quận triển khai kế hoạch thực hiện “Tháng hành động vì trẻ em” đảm bảo nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả và các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương.
Trong đó, quận chú trọng tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục và vận động xã hội, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Trung ương và Thành phố về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, cam kết trách nhiệm và hành động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc đảm bảo quyền trẻ em.
“Cùng với đó quận cũng yêu cầu các ban ngành, địa phương rà soát để bổ sung, đảm bảo 100% các địa điểm có nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em được cắm biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn...; tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi giải trí an toàn, bổ ích cho trẻ em gắn với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em và phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ nhấn mạnh.
Còn theo Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội thành phố Hà Nội Đào Đức Việt: Mùa hè năm 2024, Đoàn Thanh niên - Hội đồng Đội các cấp tiếp tục đăng ký, đảm nhận những mô hình, hoạt động thiết thực cho thiếu nhi như: Mô hình “Học kỳ quân đội”, “Trải nghiệm kỹ năng”, “Sân chơi cuối tuần”, “Chương trình phổ cập bơi”, “Dạy, ôn luyện ngoại ngữ cho thiếu nhi”… Đồng thời, tăng cường xã hội hóa, công tác phối hợp để xây dựng các không gian sinh hoạt cộng đồng, sân chơi thiếu nhi, khu vui chơi thể chất, thư viện thiếu nhi tại địa bàn dân cư.
Cùng với ngành chức năng và chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh cũng đang ngày một hiểu hơn về tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống, trong đó có nhóm kỹ năng phòng, tránh nguy hiểm và chủ động sắp xếp cho con em mình tham gia các lớp học kỹ năng như: Bơi lội, học kỳ quân đội, võ thuật…
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-mot-ky-nghi-he-an-toan-171778.html