Để mùa hè của học sinh trở nên ý nghĩa
Thời gian này, học sinh của các trường trên địa bàn tỉnh kết thúc năm học 2022-2023 để bước vào kỳ nghỉ hè với nhiều háo hức. Tuy nhiên, không ít học sinh có nguy cơ phải đối mặt với 'học kỳ thứ 3' không kém phần áp lực, mà không được nghỉ ngơi, vui chơi để tái tạo năng lượng cho năm học tiếp theo. Chính vì vậy, gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm, phối hợp chặt chẽ nhằm tạo điều kiện cho các em có được một mùa hè bổ ích, ý nghĩa.
Tại Điều 3, Nghị định số 84/2020/ NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/7/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục. Cụ thể thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là 8 tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm. Thời gian nghỉ này rất quan trọng vì giúp cho thầy và trò tái tạo năng lượng, chuẩn bị tâm thế thật tốt trước khi bắt đầu năm học mới.
Thế nhưng, khi năm học kết thúc, nhiều phụ huynh trong tỉnh đã tất tả tìm kiếm chỗ học thêm, luyện thi cho con em học hè thay vì cho các cháu tham gia một số lớp năng khiếu, hoạt động thiện nguyện hoặc học lớp kỹ năng sống để mùa hè thật ý nghĩa đối với các em.
Chị Võ Thanh H. ở Phường 5, TP. Đông Hà có con trai vừa xong lớp 6 cho biết, do gia đình có hoàn cảnh đặc biệt buộc chị phải tìm chỗ học thêm cho con trai ngay khi năm học vừa kết thúc. Bố đi làm xa, mẹ làm việc văn phòng nên không có thời gian ở cạnh con trong kỳ nghỉ hè. Chị Thanh H. có ý định đưa con về quê nội chơi một thời gian rồi cho con trở lại thành phố học hành nhưng lại lo lắng ông bà cưng chiều, con trai mê chơi máy điện thoại, xem tivi quá mức. Vì vậy, cách tốt nhất là cho con học trước các môn văn hóa của lớp 7 trong thời gian hè để thầy, cô giáo quản lý hộ và bố mẹ yên tâm làm việc.
“Mỗi khi mùa hè đến là tôi đau đầu với việc sắp xếp thời gian để con vừa vui chơi, vừa học tập nhưng khó quá. Để con ở nhà một mình thì không yên tâm nhưng cho con học các khóa học kỹ năng thì tôi không có thời gian đưa đón. Nên tôi chỉ còn cách duy nhất là hè này đăng ký cho con học các môn: Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh. Mỗi môn 2 buổi/tuần, thời gian còn lại làm thêm bài tập để củng cố và nâng cao kiến thức. Riêng tiếng Anh con học thêm tại trung tâm 3 buổi tối/tuần. Như vậy là gần kín hết thời gian các ngày trong tuần của con”, chị Thanh H. bộc bạch.
Không riêng các con chị Thanh H. mà đối với nhiều trẻ em, mùa hè đã bị biến thành “học kỳ thứ 3” với nhiều áp lực. Từ đây khiến một số em lâm vào trạng thái mệt mỏi, học hành đối phó, không hiệu quả, gây lãng phí về thời gian, tiền bạc của cha mẹ và quan trọng hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý của trẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý, áp lực học hành kéo dài sẽ khiến trẻ em dễ rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý, căng thẳng, dẫn đến những hành vi khó kiểm soát. Do đó, sau khi kết thúc năm học chính khóa, trẻ rất cần được vui chơi, giải trí và trải nghiệm cuộc sống.
Khác với chị Thanh H., anh Trần Nhật Q. có con trai học THPT ở TP. Đông Hà cho biết, 2 mùa hè vừa rồi anh đều cho con tham gia cùng tổ chức Peace Tree tại tỉnh đi thiện nguyện ở huyện Hướng Hóa trong 2 tuần/hè.
Tham gia hoạt động này, các cháu hỗ trợ dọn dẹp, vệ sinh môi trường, nhà cửa cho đồng bào dân tộc thiểu số; dạy văn hóa cho trẻ em, tổ chức các trò chơi giáo dục kỹ năng sống và trồng cây xanh. Thời gian 2 tuần/hè tuy không dài nhưng con trai anh có những trải nghiệm đầy thú vị, giá trị cho bản thân và có ý thức trách nhiệm hơn trong cuộc sống.
Mùa hè này gia đình anh sắp xếp cho cháu tham gia một hoạt động xã hội khác thời gian 3 tuần. Con anh mong muốn sau này bản thân sẽ thực hiện nhiều chuyến đi ý nghĩa như vậy. Nhưng số gia đình sắp xếp được các chuyến trải nghiệm cho con như vậy rất ít, mà thường biến mùa hè của các con thành “học kỳ thứ 3”.
Hiện nay, các cấp bộ đoàn trong tỉnh, Nhà thiếu nhi tỉnh và các nhà thiếu nhi huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng, Cam Lộ tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt hè thu hút đông đảo học sinh tham gia. Các trường học cũng có bể bơi, sân chơi thể thao phối hợp tổ chức các lớp học thể thao.
Về phía các cấp bộ đoàn có các đợt tình nguyện, chiến dịch làm sạch môi trường, trại hè, học kỳ quân đội… Các nhà thiếu nhi có các lớp năng khiếu, kỹ năng sống, nghệ thuật, thể thao… hấp dẫn, bổ ích giúp thanh thiếu niên tăng cường giao tiếp, mở rộng kiến thức văn hóa, trau dồi vốn ngôn ngữ...
Có rất nhiều phương án để giúp học sinh tận hưởng một mùa hè ý nghĩa. Tuy nhiên, để giúp trẻ có nhiều trải nghiệm thú vị, đáng nhớ, giúp tái tạo năng lượng cho năm học mới cần sự thấu hiểu, hỗ trợ, tạo điều kiện của các bậc phụ huynh, nhà trường để trẻ có được mùa hè ý nghĩa. Học văn hóa quan trọng, nhưng trẻ em rất cần nhiều kỹ năng khác, góp phần giúp các em phát triển lành mạnh về thể chất và tâm hồn.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/de-mua-he-cua-hoc-sinh-tro-nen-y-nghia/177485.htm