Để mùa Hè thêm 'cháy': Đi trượt ván và vượt qua những giới hạn của chính mình

Nếu mùa Hè của bạn vẫn chưa thật sự 'cháy', hãy thử cùng mình trải nghiệm một bộ môn cực chất: Trượt ván (skateboarding). Trượt ván không chỉ đơn giản là đi trên ván để bánh xe lăn như chạy xe đạp, đây là một môn thể thao đường phố đòi hỏi nhiều kỹ thuật thăng bằng, thời gian luyện tập, và quan trọng nhất là chuẩn bị tâm lý vượt qua nỗi sợ… té.

Trượt ván không lo mau chán

Bộ môn trượt ván là “con cháu” của môn lướt sóng, ra đời với mong muốn giúp người chơi “lướt” thật mượt trên các con phố ở châu Âu từ những năm 1950. Thế nhưng đến đầu những năm 2000, bộ môn này mới dần du nhập vào Việt Nam, và có thể bạn chưa biết: Năm 2019, trượt ván còn được lựa chọn để thi đấu tại SEA Games 30.

Cuộc thi trượt ván tại Nhật WITS. Ảnh: NVCC

Cuộc thi trượt ván tại Nhật WITS. Ảnh: NVCC

Với cá nhân mình, mình quyết định thử trượt ván có lẽ là do ảnh hưởng từ những bộ phim hoạt hình trên kênh Disney Channel hay những MV có lồng ghép yếu tố Hip-Hop của đường phố những năm 2010.

Và với kinh nghiệm biết đạp xe từ lúc năm tuổi, mình đã từng có suy nghĩ rằng trượt ván cũng dễ như “ăn kẹo”, chỉ cần kéo chân để trượt là được thôi, có gì phải xoắn! Vì thế, Hè này mình đã mạnh dạn đăng ký lớp học trượt ván căn bản của AXGC (Ananas X-Games Community: Một cộng đồng thể thao đường phố của Ananas).

Thế nhưng, có lẽ mình đã đánh giá quá cao khả năng của bản thân khi nghĩ rằng bộ môn này “dễ xơi”, hậu quả là mình đã té ngay từ lần đầu tiên đứng lên ván vì không dùng chân đúng kỹ thuật. Thật ra, đây là bộ môn đòi hỏi khả năng thăng bằng tốt, lực chân và quan trọng là sự dứt khoát khi lần đầu tiếp xúc với ván. Và việc gạt bỏ đi tâm lý sợ té ngã là rất quan trọng để có sự dứt khoát trong những lần đầu làm quen với ván, điều này cũng giống như việc chúng mình phải hạ quyết tâm để làm điều gì đó mạo hiểm hay bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, bạn nhỉ!

Tinh thần thể thao trong trượt ván

Cũng nhờ tham gia lớp học trượt ván này mà mình có cơ hội được trò chuyện với anh Võ Anh Tùng - một skater (người chơi trượt ván) đã theo đuổi bộ môn này tận 7 năm và cũng là giáo viên hướng dẫn của mình tại lớp học trượt ván căn bản của AXGC.

Anh Tùng Võ. Ảnh: NVCC

Anh Tùng Võ. Ảnh: NVCC

Anh chia sẻ, trong lần đầu làm quen với ván, anh cũng chật vật không kém: “Trước đó, anh đã có ấn tượng với trượt ván qua phong cách thời trang đường phố (streetwear). Anh thật sự tìm hiểu và mày mò làm quen bộ môn này khi nhìn thấy một bạn trượt ván rất ngầu trên Phố đi bộ Nguyễn Huệ”.

Hóa ra trượt ván cũng không mượt mà hay dễ dàng như anh đã nghĩ, anh chia sẻ về khó khăn trong những ngày đầu tập trượt ván: “Ngày đầu tiên, anh tự luyện tập trên… sân thượng ở nhà, vì không dám đến nơi đông người để tập, và tất nhiên là không thành công cho lắm. Phải đến rất nhiều những buổi luyện tập sau anh mới có thể trượt thẳng cơ bản”.

Anh Tùng hướng dẫn các bạn tại Workshop của AXGC. Ảnh: NVCC

Anh Tùng hướng dẫn các bạn tại Workshop của AXGC. Ảnh: NVCC

Anh cho biết do cộng đồng và văn hóa trượt ván ở Việt Nam chưa quá phổ biến, nên những người mới như anh gặp khó khăn khi không có nhiều nơi tổ chức dạy bài bản, tìm kiếm tài liệu trên mạng cũng không dễ, vẫn ngần ngại khi đến nơi công cộng để luyện tập.

Sau trải nghiệm văn hóa trượt ván ở Việt Nam, anh Tùng còn có thời gian sống tại Nhật Bản và tham gia vào cộng đồng các skater ở Tokyo: “Nhờ trượt ván mà anh được kết nối với rất nhiều bạn bè không chỉ người Việt, người Nhật mà còn đến từ nhiều quốc gia khác, mọi người cứ rủ rê người này tới người kia và dần dần tạo thành một cộng đồng cùng nhau trượt ván vào ngày thứ Hai hằng tuần. Năm 2021 tụi anh còn cùng nhau tổ chức một cuộc thi trượt ván gồm nhiều hội skater không chỉ ở Tokyo mà cả các tỉnh khác ở Nhật, để ăn mừng ngày Go Skateboarding Day (ngày 21/6 hằng năm) - sự kiện thường niên hưởng ứng hoạt động trượt ván trên khắp thế giới”.

Sân AXGC Basic Ground. Ảnh: NVCC

Sân AXGC Basic Ground. Ảnh: NVCC

Khác với ở Việt Nam, văn hóa trượt ván ở Nhật cũng có phần cởi mở hơn, anh Tùng chia sẻ rằng độ tuổi trượt ván ở Nhật có thể từ trải dài từ những bạn tầm 10 tuổi cho đến các bác trung niên 50 - 60 tuổi. Các gia đình ở Nhật rất khuyến khích các bạn nhỏ tập trượt ván như một môn thể thao, điều kiện sân trượt ở Nhật cũng đa dạng và có nhiều các skatepark (không gian công cộng dành cho người chơi trượt ván) dành riêng cho hoạt động trượt ván.

Một điều mà anh Tùng ấn tượng ở các skater Nhật Bản là tinh thần thể thao và hữu nghị. Các skater không coi trượt ván là môn thể thao để cạnh tranh hay so sánh kỹ thuật của nhau, mà niềm vui đến từ việc mọi người được cùng nhau trượt và kết nối, đây cũng là tinh thần mà anh muốn lan tỏa đến cộng đồng trượt ván ở Việt Nam.

Hành trang “lăn bánh” vèo vèo

Nếu Hè này chưa có hoạt động gì để khiến bản thân bận rộn, bạn có thể tham khảo bộ môn trượt ván để vừa được vận động thể chất, vừa được rèn luyện tinh thần. Hành trang để bắt đầu trượt ván thật ra rất đơn giản, bạn sẽ cần đầu tư một chiếc ván chất lượng, một đôi giày đế bằng, và một ý chí “không sợ té”.

Ván trượt do Ananas thiết kế.

Ván trượt do Ananas thiết kế.

Bạn có thể tham khảo những cửa hàng ván trượt và những địa điểm trượt ván sau đây nếu đã “dính cứng ngắc” bộ môn thăng bằng này.

Các cửa hàng ván trượt

- Saigon Skateshop: 221 Đề Thám, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM.

- Hệ thống cửa hàng bán lẻ đồ thể thao Decathlon: Nhiều chi nhánh.

Các địa điểm skatepark

- Saigon Skatepark: 30/1 Nguyễn Văn Quỳ, Phú Thuận, Q.7, TP.HCM (Cung cấp sân trượt và các lớp học cho người mới bắt đầu).

- City Park: The Global City, Đỗ Xuân Hợp, An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM.

Phương Nghi

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/de-mua-he-them-chay-di-truot-van-va-vuot-qua-nhung-gioi-han-cua-chinh-minh-post1657918.tpo