Để mùa hè trở thành cảm xúc

Bấy lâu, thơ ca, nhạc họa, điện ảnh... đã dành rất nhiều cảm xúc cho các sáng tác về chủ đề mùa thu, mùa xuân nhưng trong thực tế cuộc sống, mùa hè mới để lại những điều đáng nói nhất. Ngoài con đường đi làm nắng nóng, tiền hóa đơn điện cao chót vót là bài toán nan giải: Trẻ từ trường học đã trở về với gia đình và xã hội.

Có người từng nói vui với tôi rằng: “Trong cái thế chân kiềng của giáo dục (nhà trường - gia đình - xã hội) xem ra hai chân còn lại đang run lắm”. Trên mạng xã hội, không ít phụ huynh than thở: “Tin sốc con nghỉ hè tận... 3 tháng”. Để giảm áp lực đó, nhiều bài báo chỉ ra cách quản lý con, tìm ra các hoạt động vui chơi an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thấu đáo, 3 tháng hè mới chính là lúc chúng ta phải thực hiện trách nhiệm của mình. Một sứ mệnh với chính tương lai của mỗi người, mỗi nhà chứ đâu chỉ là đối phó, giảm tải.

Chương trình làm phim “Qua ống kính trẻ thơ”.

Chương trình làm phim “Qua ống kính trẻ thơ”.

Để chuẩn bị cho một mùa hè hóa ra đâu chỉ có biển xanh, cát trắng, nắng vàng... của những chuyến đi biển. Trong một bài báo, tác giả Diệu Thông có một chia sẻ rất thú vị về chủ đề này: “Ẩn sâu bên trong mỗi đứa trẻ là một cái tôi giòn giã, ham chơi, thích sáng tạo, hòa nhập, khám phá mọi điều đang hiện hữu quanh mình. Mùa hè chính là quãng thời gian, là cơ hội lý tưởng để các con trau dồi, học hỏi, bồi dưỡng nhiều kỹ năng, cảm xúc và giá trị sống” (theo: Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh).

“Cảm xúc và giá trị sống” là những từ khóa mà người đọc tâm đắc nhất từ bài báo này bởi đó là thứ hành trang cần có với mỗi đứa trẻ. Nói như nhà triết học Hy Lạp cổ đại Plato: “Hành vi của con người bắt đầu từ 3 nguồn chính: khao khát, cảm xúc và tri thức”. Nếu như khát khao bắt nguồn từ bản thân, tri thức tiếp thu từ thế giới tự nhiên và xã hội bên ngoài thì cảm xúc là sự tương tác. Cảm xúc ấy không chỉ là được chơi, được đùa nghịch mà điều quan trọng nhất là tất cả những điều ấy sẽ tạo ra giá trị gì trong nhân cách mỗi con người?

Nói một cách khác, chúng ta sẽ lên giáo án mùa hè cho trẻ như thế nào? Bài học về cảm xúc hôm nay đầy bất ngờ, thú vị mà sâu sắc nhưng cũng rất đơn giản và gần gũi từ những điều quen thuộc trong cuộc sống. Quan trọng là bạn có chú tâm tìm ra đáp án hay không.

Hãy cho trẻ theo đuổi đam mê với những cung bậc cảm xúc.

Hãy cho trẻ theo đuổi đam mê với những cung bậc cảm xúc.

Với từ khóa đó, nếu lướt qua các trang web đều thấy một nội dung: “dạy con kiểm soát cảm xúc”. Dĩ nhiên, trí tuệ xúc cảm, hay còn được gọi tắt là EQ (Emotional Intelligence) không chỉ cần khi người trưởng thành mà ngay cả với một đứa trẻ. Khi chuyện lo ăn, lo mặc chỉ còn là khó khăn của các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... thì những câu chuyện đau lòng về cảm xúc lại xảy đến học sinh ở các đô thị, ở những gia đình có mức sống tốt.

Dù người viết không muốn nhắc lại nhưng có lẽ bạn đọc vẫn chưa quên những câu chuyện đau lòng như: Bé trai lớp 6 (Hà Nội) nhảy từ tầng 22 chung cư xuống tử vong vì làm bài thi không tốt; nữ sinh (Quảng Nam) tự tử vì trượt đại học; nam sinh nhảy lầu tự tử để lại thư tuyệt mệnh (TP Hồ Chí Minh)... Vậy, những áp lực mà một đứa trẻ đáng thương ấy phải chịu đựng đến từ đâu? Áp lực ấy đã lấy đi nguồn cảm hứng sống như thế nào để những cô bé, cậu bé ấy phải kết thúc cuộc đời mình khi còn quá trẻ. Người trẻ cần dinh dưỡng, cần tri thức nhưng hơn tất cả còn là cảm hứng sống. Nếu thiếu đi cảm hứng sống, họ chỉ lớn lên về thân thể bằng một tâm hồn thui chột vật vờ. Cảm hứng sống xuất phát từ môi trường rộng lớn chứ không chỉ là những môn học hằng ngày.

Những năm gần đây, chúng ta nhận ra đã có thêm nhiều chương trình có quy mô bài bản, hướng đến việc sáng tạo các nội dung cho mùa hè để tạo ra cảm hứng cho trẻ em như thế. Hè năm 2023 vừa qua, ấn phẩm Mực Tím (Báo Tuổi trẻ) đã tổ chức workshop "Sáng tạo nội dung - thổi bùng mùa hè" với sự tham dự của 10 câu lạc bộ báo chí - truyền thông đến từ các trường THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tương tự, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế và Hội Bảo tồn di sản văn hóa Đức đã tổ chức Chương trình giáo dục di sản tại Huế vào mùa hè năm ngoái. Hay, tới đây sẽ là sự kiện Panasonic Việt Nam đã chính thức khởi động chương trình làm phim “Qua ống kính trẻ thơ 2024” (Kid Witness News)...

Với mỗi gia đình, mùa hè cũng cần một nội dung dành cho con cái phù hợp và ý nghĩa để mùa hè không trở thành “học kì thứ ba” nhàm chán và sự thất hứa của cha mẹ. Một người bạn từng nói với tôi: “Khó đấy, chúng ta biết làm gì vì trẻ con ngày nay chỉ có học và học. 3 tháng hè, cha mẹ vẫn phải đi làm và đâu phải ai cũng có tiền cho con đi du lịch...”. Tôi biết đó là một câu hỏi khó trả lời với tất cả. Nhưng, hình như, khi chúng ta vươn tới một cuộc sống chất lượng, một nền giáo dục tiên tiến, hướng con em mình theo một tương lai tươi sáng nhưng đôi khi ta lại quên mất rằng: Sở trường, đam mê mới đem lại cảm xúc thật đặc biệt cho con người. Nói như tiểu thuyết gia người Pháp Anatole France (1844-1924): “Những đam mê của chúng ta nói lên chính bản thân ta”, bài học về đam mê rất đáng giá và nhất định cha mẹ phải đem lại cho con cái niềm cảm hứng ấy.

Trong quá khứ, với 3 tháng hè, không ít người trong chúng ta từng được cha mẹ, ông bà truyền dạy một kĩ năng nào đó. Thế rồi, thật bất ngờ, lĩnh vực tưởng như là tay trái ấy lại giúp chúng ta thành công. Nấu ăn, chơi đàn, đánh cờ, mỹ thuật, sữa chữa kĩ thuật... đều là những đam mê thú vị. Chúng ta đừng ảo tưởng về một tương lai cổ cồn trắng và rồi để con mình vấp ngã trên chính ngưỡng cửa của ước mơ. Thực tế đã chứng minh con của một người thợ kĩ thuật lại có tài năng nghệ thuật, con của một người tiểu thương trở thành nhà khoa học hay sự xuất hiện một đầu bếp nổi tiếng, một thợ kỹ thuật bậc cao trong chính ngôi nhà của chúng ta. Chính những năng khiếu, đam mê bất ngờ ấy tạo ra những ngã rẽ trong sự phát triển của từng đứa trẻ, của gia đình, giúp cho xã hội phát triển đa dạng, hiệu quả. Và, sâu xa hơn nữa, các bậc phụ huynh cũng có thêm một sự tham chiếu về hướng nghiệp của con em mình trong tương lai gần.

Đừng để việc trẻ được nghỉ hè là một nỗi lo.

Đừng để việc trẻ được nghỉ hè là một nỗi lo.

Những đam mê ấy chí ít cũng giúp con cái mình có thêm một đam mê cao quý, một kỹ năng phục vụ bản thân và gia đình sau này. Khi chưa thử, sao có thể quở trách chúng vô dụng; khi chưa hướng con theo đam mê, cha mẹ đừng vội thất vọng vì con.

Giáo dục con cái bằng cảm xúc không phải là một khái niệm mơ hồ, bởi trong đó, chứa đựng cả định hướng nhân cách, hướng nghiệp và sự tôn trọng. Nhìn những em bé miễn cưỡng đến lớp học thêm hè, đôi khi người viết tự hỏi: Sau khi đưa con đến cửa lớp, quay lưng bước ra xe, đã mấy khi các bậc phụ huynh để ý đến cảm xúc ấy của con phía sau lưng. Ứng xử với những đứa trẻ cũng là một cơ hội để tạo nên giá trị văn hóa bởi trong chính mùa hè này, các em sẽ mang những hào hứng, phấn chấn hay chán nản, mệt mỏi vào cuộc sống của mình để tạo ra một thứ “độc tố” tâm hồn.

Chúng ta đang từng bước kiểm soát game online độc hại, thuốc lá điện tử, bạo lực học đường... bởi những nguy cơ đó không chỉ có nguy cơ gây hại cho một vài đứa trẻ mà sẽ đe dọa văn hóa của cả thế hệ. Nhưng, đồng thời, chúng ta cũng cần tạo ra cảm hứng trong cuộc sống, giúp cho mỗi bạn nhỏ tìm thấy một đam mê để tránh xa những cám dỗ ấy...

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/de-mua-he-tro-thanh-cam-xuc-i732770/