Viện trưởng Lê Minh Trí: Sẽ hoàn thiện các quy định trong lĩnh vực an ninh mạng

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định an ninh mạng đang đặt ra nhiều vấn đề và pháp luật đang được cập nhật, bổ sung điều chỉnh kịp thời để kiểm soát ở mức tốt nhất.

Sáng 1-7, Tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 3 TP.HCM có buổi tiếp xúc cử tri các quận 5, 8, 11 sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Đơn vị số 3 gồm Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí; Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong; ông Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế.

 Cử tri tham dự buổi tiếp xúc tại đầu cầu quận 8. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cử tri tham dự buổi tiếp xúc tại đầu cầu quận 8. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thị Hồng Duyên (quận 5) cho rằng lãnh đạo phường, xã mỗi nơi quản lý hàng ngàn, chục ngàn con người, áp lực lớn nhưng lương còn thấp, chưa phù hợp với thực tế. Cử tri Duyên kiến nghị nên tăng lương cho lãnh đạo cơ sở theo hệ số, qua đó giảm việc tham nhũng, tiêu cực tại địa phương.

“Nếu lương cao mà còn tham ô thì phải xử lý thật nghiêm”- cử tri nói.

Cử tri Huỳnh Văn Sáu (quận 5) nêu thực tế hiện nay vẫn còn trạng mua bán bằng cấp giả, học giả. Giáo dục thì xuất hiện thêm nhiều trường như trường chuyên, trường chất lượng cao, trường tiên tiến… hệ quả là gây sức ép lên giáo viên phải chạy theo bằng cấp.

 Cử tri nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cử tri nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Sáu đề nghị nên cải tổ giáo dục theo mô hình đào tạo tinh hoa. “Tức là đào tạo những người làm nghiên cứu, có những đề tài nghiên cứu có chất lượng, nếu là tiến sĩ, giáo sư thì phải nằm trong diện đào tạo tinh hoa, có đề tài nghiên cứu lớn, có tính ứng dụng”- ông Sáu nói và đề nghị Chính phủ có đầu tư 5 – 10% kinh phí để phát triển mô hình đào tạo tinh hoa.

Ông Sáu đề xuất có thể đào tạo theo hướng tạo nguồn nhân lực, tức là đất nước, xã hội cần gì thì đào tạo nghề đó. “Chỉ có như vậy mới có thể hạn chế người dân chạy theo bằng cấp”- ông Sáu khẳng định.

Trả lời cử tri, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nhìn nhận trong 10 năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ đạt được kết quả tốt ở trung ương mà còn ở cấp địa phương.

 Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định công tác phòng phải đi đôi với chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định công tác phòng phải đi đôi với chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông nêu thực tế, nhiều vụ án đã được xử lý, thu hồi được tài sản thất thoát của Nhà nước. Nhà nước đã xử lý tội phạm nghiêm nhưng đồng thời vẫn đảm bảo được tính nhân văn, thuyết phục, nhiều vụ án được làm rõ giúp công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng tạo chuyển biến.

“Đi đôi với chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta ban hành, bổ sung các quy định của Đảng, hệ thống pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phòng ngừa. Cuộc đấu tranh này chúng ta đang tiếp tục làm và phải làm thế nào hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện của đất nước. Mong cử tri tiếp tục theo dõi trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng và góp ý về cách làm làm sao hiệu quả được tốt hơn”- ông Trí nói.

Ông Trí cũng cho biết sẽ tiếp tục ghi nhận những ý kiến của cử tri liên quan đến vấn đề giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực.

Theo ông Trí, giáo dục là quốc sách hàng đầu của quốc gia, bởi cán bộ cũng phải học tập và lớn lên, qua phấn đấu rèn luyện mới trở thành lãnh đạo; nhà khoa học khi học tập, rèn luyện, lớn lên mới làm quản lý chuyên môn, nghiên cứu khoa học,…

“Đúng là phải biết những gì xã hội cần để đào tạo đáp ứng được nhu cầu của xã hội, tuy nhiên việc này cũng đặt ra nhiều vấn đề. Chúng ta đào tạo được những chuyên gia giỏi nhưng họ lại đi phục vụ ở nước khác, ngược lại mình có tiền thì mình có thể thuê chuyên gia giỏi từ các nước khác đến Việt Nam làm việc, vấn đề là chúng ta có thể thu hút nguồn lực hay không”- ông Trí nhìn nhận,

Ông Trí cho biết sẽ tổng hợp lại ý kiến, kiến nghị của cử tri để phản ánh đến QH.

“Đây là câu hỏi mà ngành giáo dục quan tâm. Còn việc bằng giả, bằng thật nó chỉ là một góc cạnh tệ nạn, thực tế là có bằng gì mà không có năng lực thì làm việc ở đâu cũng không được sử dụng, như ở khu vực công, người có 5 bằng cấp nhưng chất lượng đào tạo thực sự thế nào còn cần phải quan tâm”- ông Trí nói thêm.

Sẽ hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an ninh mạng

Trả lời cử tri về vấn đề an ninh mạng, lừa đảo trên mạng ngày càng xảy ra thường xuyên, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nhận định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra sự phát triển lớn cho đất nước nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ.

“Xu thế không đảo ngược mà chúng ta phải thích ứng, qua đó khai thác được mặt hiệu quả cao nhất. Vấn đề đặt ra là pháp luật phải được cập nhật, bổ sung điều chỉnh kịp thời để kiểm soát ở mức tốt nhất”- ông Trí khẳng định.

Ông Trí cũng cho biết thời gian qua các cơ quan chức năng đã tham mưu, Đảng, QH cũng có chỉ đạo và sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực an ninh mạng.

“Chúng tôi sẽ phản ảnh bức xúc của người dân trong lĩnh vực này để hoàn chỉnh, bổ sung vào hệ thống pháp luật tốt nhất có thể để quản lý nhà nước về lĩnh vực này ngày càng tốt hơn, kịp thời hơn. Nhưng quan trọng nhất là ý thức phòng ngừa của người dân phải được nâng cao hơn để có thể tự bảo vệ mình”- ông Trí nói.

BẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/vien-truong-le-minh-tri-se-hoan-thien-cac-quy-dinh-trong-linh-vuc-an-ninh-mang-post798289.html