Để Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 (kỳ 1)

Để đạt được mục tiêu

Để đạt được mục tiêu “Đến năm 2030, Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; 6 nhiệm vụ trọng tâm và lựa chọn 3 khâu đột phá. Trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm và kết quả đã đạt được của nhiều nhiệm kỳ trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025) đã đề ra.

Mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy.

Kỳ I: Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển

Đồng chí Sái Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hưng cho biết: Ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy đã ban hành chương trình công tác trọng tâm toàn khóa gồm 7 nhóm nhiệm vụ cần thực hiện liên quan đến các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, Huyện ủy tập trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để tạo bước đột phá nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển. Trong đó, triển khai lập quy hoạch phân khu đô thị Rạng Đông và quy hoạch phân khu chức năng nam đô thị Rạng Đông. Phối hợp với các sở, ngành xây dựng quy hoạch phân khu hai bên đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đường bộ ven biển đoạn qua huyện Nghĩa Hưng; hai bên kênh nối Đáy - Ninh Cơ đoạn qua các xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Lạc; điều chỉnh quy hoạch chung của các xã, thị trấn cho phù hợp với sự phát triển trong thời gian tới. Phối hợp với các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và sớm lấp đầy giai đoạn 1 Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2. Tập trung chỉ đạo, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai một số dự án trọng điểm của tỉnh, Trung ương, có tính chiến lược, sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện Nghĩa Hưng, như: Giai đoạn 2 đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua huyện Nghĩa Hưng; tỉnh lộ 488C... Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển mạnh kinh tế biển; thu hút mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng kinh tế biển; xã hội hóa thu hút đầu tư để triển khai xây dựng khu chức năng phía nam và hình thành đô thị Rạng Đông theo quy hoạch được phê duyệt theo hướng phát triển đa ngành, đa lĩnh vực như phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ hỗn hợp, khu vui chơi giải trí, khách sạn, resort,... gắn với du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng.

Huyện Giao Thủy có 32km đường bờ biển. Đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là 5.111ha, giá trị nuôi trồng năm 2020 đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 2,13 lần so với năm 2015; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha nuôi trồng đạt 445 triệu đồng (tăng 170 triệu đồng so với 2015). Sản lượng nuôi trồng tăng từ 25.197 tấn (năm 2015) lên 45.720 tấn (năm 2020). Toàn huyện có 962 tàu khai thác, trong đó có 264 tàu có chiều dài từ 12 đến 15 mét; 161 tàu có chiều dài từ 15 mét trở lên (trong đó có 8 tàu cá vỏ thép), tổng công suất trên 100 nghìn CV; đã hình thành 25 tổ, đội đánh bắt hải sản. Sản lượng khai thác năm 2020 đạt 15.430 tấn, tăng hơn 30% so với 2015. Nghề chế biến thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá được duy trì và phát triển với sản phẩm chủ yếu là nước mắm, mắm tôm, tôm, cá khô,… Sản lượng nước mắm bình quân đạt 1.300 nghìn lít/năm, mắm tôm đạt trên 100 tấn/năm, tôm cá khô đạt 300 tấn/năm. Đồng chí Phạm Quang Ái, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Giao Thủy cho biết: Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định: Tập trung phát triển kinh tế biển trên cơ sở đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển để trở thành vùng kinh tế động lực, là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, các xã, thị trấn ven biển bám sát Kế hoạch số 561 ngày 12-4-2019 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Chỉ đạo các xã, thị trấn ven biển tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và sự liên kết trong vùng nhằm phát triển nhanh, bền vững với các lĩnh vực mũi nhọn và đột phá là: Nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch biển. Triển khai quy hoạch chi tiết từng vùng, điều chỉnh quy mô sản xuất để đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản hiệu quả và bền vững. Phát triển mạnh các dịch vụ hậu cần nghề cá, các ngành nghề chế biến thủy hải sản như: sản xuất nước mắm, hải sản khô, ruốc, chế biến bột cá,… từng bước xây dựng và tạo lập thương hiệu sản phẩm hàng hóa của địa phương, đẩy mạnh quảng bá, nhân rộng các sản phẩm OCOP từ thủy hải sản. Đẩy mạnh phát triển du lịch biển trên cơ sở khai thác các tiềm năng của Vườn quốc gia Xuân Thủy và bãi biển Quất Lâm; xây dựng đề án đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu với bảo tồn; xúc tiến mời gọi đầu tư vào khu du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển Giao Phong. Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Tập trung xây dựng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp dọc theo tuyến đường bộ ven biển (đoạn qua địa bàn huyện Giao Thủy) để phát huy lợi thế kết nối huyện với các địa phương và các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Sản phẩm nước mắm Ninh Cơ, huyện Hải Hậu đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Tỉnh ta có bờ biển dài 72km gồm 3 huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu với 80 xã, thị trấn (trong đó có 19 xã, thị trấn giáp biển); tổng diện tích đất tự nhiên 724km2 bằng 43% diện tích toàn tỉnh; dân số 606 nghìn người, bằng 34% dân số toàn tỉnh; mật độ dân số 837 người/km2 (toàn tỉnh 1.067 người/km2). Những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp, kinh tế - xã hội vùng ven biển của tỉnh đã có bước phát triển nhanh và bền vững. Trong chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22-10-2018 của BCH Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, tỉnh đặt mục tiêu, về lâu dài phải hình thành Khu kinh tế Ninh Cơ, từng bước hình thành thành phố ven biển các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Một số dự án, công trình lớn, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài, tạo động lực cho phát triển vùng kinh tế biển của tỉnh đã được triển khai đầu tư và hoàn thành như đường dẫn và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ nối hai huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu; đang tiếp tục thực hiện thi công tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định có tính chất kết nối tuyến đường bộ ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ninh; cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ (công trình giao thông thủy). Tỉnh cũng đã triển khai xây dựng và phê duyệt quy hoạch khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông; báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bổ sung quy hoạch Khu kinh tế Ninh Cơ có quy mô 13.950ha trên địa bàn hai huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng vào quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020 tại Quyết định số 1453/QĐ-TTg ngày 24-9-2020 với kỳ vọng trở thành trung tâm lớn trong giao thương quốc tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và cảng biển của vùng Nam đồng bằng sông Hồng; quy hoạch các cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 500ha ở khu vực ven biển.

Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Giám đốc Sở KH và ĐT cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX với mục tiêu “Tăng cường khai thác tiềm năng thế mạnh vùng kinh tế biển để trở thành vùng kinh tế động lực phía nam của tỉnh”, thời gian tới, tỉnh tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển, xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có cơ cấu hợp lý với tốc độ tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao và bền vững, là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, an ninh biên giới quốc gia. Trong đó, quy hoạch, đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển vùng kinh tế ven biển. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng như xây dựng tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (hoàn thành giai đoạn I và thực hiện các thủ tục triển khai và cơ bản hoàn thành giai đoạn II); hoàn thành xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; hoàn thành giai đoạn I và thu hút nhà đầu tư thứ cấp cơ bản lấp đầy Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, (Nghĩa Hưng), CCN Thịnh Lâm (Giao Thủy).

Trong phát triển kinh tế biển, ven biển, tỉnh chủ trương đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, dự án sử dụng công nghệ nguồn vào các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển. Hình thành và đưa vào hoạt động Khu kinh tế Ninh Cơ trong đó tập trung vào thu hút và phát triển công nghiệp; xây dựng, phát triển đồng bộ Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông thành khu sản xuất dệt vải, nhuộm, phụ kiện và may mặc có công nghệ hiện đại, bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường; từng bước hình thành khu đô thị thương mại, dịch vụ dệt may - thời trang hiện đại. Chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng tại Vườn quốc gia Xuân Thủy, các khu du lịch tắm biển Quất Lâm, Thịnh Long, khu du lịch Rạng Đông,... Kết nối, hình thành các chương trình du lịch biển, nghỉ dưỡng dài ngày kết hợp với các loại hình vui chơi giải trí, thi đấu thể thao. Phát triển đồng bộ khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, hàng hải. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành thủy sản, trong đó ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa theo hình thức nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng một số trại giống thủy sản chất lượng cao; lựa chọn các con giống có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khu vực ven biển, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Chú trọng phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá với quy mô hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại để phục vụ cho hoạt động khai thác nguồn lợi trên biển trên cơ sở khai thác hải sản có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Bảo vệ môi trường; bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống thiên tai.

(Còn nữa)

Bài và ảnh:Việt Thắng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202101/dua-nghi-quyet-dai-hoi-dang-vao-cuoc-song-de-nam-dinh-tro-thanh-tinh-phat-trien-kha-cua-ca-nuoc-vao-nam-2030-ky-1-2542230/