Để nét đẹp truyền thống không bị lợi dụng

BP - Ngày 10-12, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức tết năm 2020. Một trong những nội dung quan trọng của chỉ thị đó là “Tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Không tổ chức đi thăm, chúc tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp tết”.

Tặng quà ngày tết là một nét đẹp văn hóa truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng bây giờ không ít người, trong đó có cán bộ, đảng viên lợi dụng dịp này để che đậy hành vi mờ ám, tranh thủ chạy chức, chạy quyền, hối lộ, “bôi trơn”, chạy dự án... Từ một phong tục truyền thống tốt đẹp song việc tặng quà tết đã bị mặt trái của nền kinh tế thị trường và những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất lợi dụng vào mục đích cá nhân.

Theo quan niệm của nhiều người, tết là cơ hội vàng để “hợp thức hóa” hành vi hối lộ, tham nhũng... Quà tết bây giờ cũng “muôn hình vạn trạng”. Từ những gói quà giá trị chỉ vài trăm ngàn đồng đến những món hàng độc, hàng hiệu và phong bì đi kèm với giá trị nhỏ, lớn tùy thuộc vào đối tượng nhận quà. Không ít người xem giá trị quà tết là thể hiện sự quý trọng, lòng biết ơn của cấp dưới đối với cấp trên. Trong các vụ án liên quan đến các hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, tham nhũng, nhận hối lộ mà cơ quan chức năng đã xét xử thì đều có bóng dáng của những khoản chi quà tết “khủng”, vượt ranh giới thể hiện tình cảm của cấp dưới đối với cấp trên.

Nhằm ngăn chặn biến tướng của vấn đề quà tết, lợi dụng các phong tục để trục lợi, làm méo mó văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 10-12 của Ban Bí thư nghiêm cấm tặng quà tết cấp trên dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, để thực hiện việc này đòi hỏi phải có thêm nhiều chế tài mạnh mẽ nhằm giám sát cụ thể và xử lý nghiêm mọi hành vi tiêu cực, biến tướng... Bởi dư luận cho rằng, mặc dù đã có các quy định của Đảng, Nhà nước nghiêm cấm việc tặng quà Tết cho cấp trên song trên thực tế việc này vẫn diễn ra, là “chuyện thường ngày ở huyện”. Thậm chí độ “hoành tráng” của những món quà năm sau luôn lớn hơn năm trước!

Đưa chỉ thị đi vào cuộc sống, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền về nếp sống văn minh trong dịp lễ, tết... để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành thói quen văn hóa, ý thức tự giác của toàn dân. Đặc biệt cần phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu trong thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng và Nhà nước. Thực tế đã chứng minh, ở địa phương, đơn vị nào người đứng đầu gương mẫu, liêm khiết, nói đi đôi với làm thì cấp dưới - dù muốn cũng không dám thực hiện các hành vi đã bị nghiêm cấm.

Điều mà nhân dân và dư luận quan tâm không chỉ là vấn đề cấm biếu, tặng quà dịp tết, mà đó là việc phải thực hiện nghiêm quy định cấm biếu, tặng quà cấp trên; cấm nhận quà dưới mọi hình thức. Kiên quyết ngăn chặn việc lợi dụng các phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc vào mục đích tư lợi cá nhân làm cho nó trở nên méo mó, biến tướng.

Chính Trực

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/de-net-dep-truyen-thong-khong-bi-loi-dung-4599