Để ngân mãi âm thanh đại ngàn

Văn hóa cồng chiêng là di sản quý báu của dân tộc, được coi là biểu tượng tâm linh của đồng bào Tây Nguyên. Năm 2005, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào, vinh dự không chỉ của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên mà là của cả dân tộc Việt Nam.

Văn hóa cồng chiêng (VHCC) được hình thành, phát triển gắn liền với cuộc sống tự nhiên và các hoạt động của cư dân vùng Tây Nguyên. VHCC không chỉ là sự kết tinh của những gì tinh túy nhất mà còn phản ánh cuộc sống bình dị, yêu thương lẫn nhau của con người Tây Nguyên. Mỗi động tác, điệu nhảy là sự tinh tế, điêu luyện, hòa trong không gian mênh mông rộng lớn của núi rừng, thể hiện mong ước, khát vọng về cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc của con người. Bên cạnh đó, VHCC còn là phương tiện để khẳng định tính cộng đồng, gắn kết con người, thể hiện sức sống, tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống.

Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên

Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên

Chủ nhân của không gian VHCC là đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Họ đã nâng giá trị của sản phẩm hàng hóa thành công cụ trình diễn tuyệt vời, là sự kết hợp hoàn hảo giữa tiếng nhạc cụ, tiếng suối và tiếng lòng của con người nơi đây. Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có gần 1.400 đội cồng chiêng, trong đó 991 đội trẻ biết diễn tấu, nhiều bài chiêng cổ được đánh giá cao qua các hội thi, hội diễn. Các tỉnh Tây Nguyên cũng phục dựng lại nhiều lễ hội truyền thống, biểu diễn lại các bài chiêng cổ, tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn như buôn vui chơi, buôn ca hát. Đặc biệt, các lớp đào tạo, bồi dưỡng đánh chiêng, chỉnh chiêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn, bon, làng đã được tổ chức…

Theo bà Linh Nga Niê KDăm - Nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian Tây Nguyên, với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, diễn tấu cồng chiêng trong các lễ hội truyền thống như: cúng lúa mới, cúng sức khỏe, cúng bến nước hay lễ bỏ mả… thường là do người đàn ông đảm nhận. Tuy nhiên, gần đây trong nhiều cộng đồng, trẻ em gái cũng được các nghệ nhân truyền dạy cách đánh chiêng tre, chiêng đồng như các trẻ em nam. Nhờ đó, nhiều buôn, làng hiện đã thành lập được đội chiêng nữ để tham gia biểu diễn, giao lưu trong các ngày hội văn hóa truyền thống. Đây cũng là điểm mới trong việc bảo tồn và duy trì nét văn hóa đặc trưng ở Tây Nguyên.

Cũng theo bà Linh Nga Niê KDăm, ngoài huyện Cư Kuin, từ năm 2015 đến nay, Trung tâm Văn hóa huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cũng đã mở lớp học đánh chiêng cho các em nữ tại buôn Êa Đun, xã Êa Kênh. “Có một thực tế là “cứ dạy bọn thanh niên trẻ biết đánh chiêng, xong rồi nó đi lấy vợ ở buôn khác thì lại mất người đánh. Có lẽ từ thực tế đó mà Krông Pắk đã có một, hai buôn dạy chiêng cho các chị em gái. Bởi vì các chị em thì sẽ sống lâu dài ở buôn làng hơn, dù có cưới chồng về thì cũng không đi đâu cả. Điều này rất hay, mặc dù trong tập quán của bà con trước đó là không có” - bà Linh Nga Niê KDăm cho biết thêm...

Nhìn vào thực tế thời gian qua, những tác động của mặt trái cơ chế thị trường và sự du nhập của văn hóa phương Tây, đã làm cho VHCC Tây Nguyên bị mai một đi ít nhiều. Một bộ phận đồng bào nhẹ dạ, cả tin bị kẻ xấu lợi dụng, mua chuộc, xúi giục đem bán cồng chiêng, không tham gia vào những hoạt động lễ hội… Trước thực trạng trên, để bảo tồn và phát huy VHCC, theo nhiều nhà nghiên cứu cần làm tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau: Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên về tầm quan trọng của VHCC. Đây là việc làm cần thiết, mang tính thường xuyên, liên tục để đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hiểu được những giá trị tinh thần to lớn mà VHCC mang lại. Thứ hai, thường xuyên tổ chức những hoạt động biểu diễn VHCC Tây Nguyên. Những giá trị của VHCC Tây Nguyên chỉ được bảo tồn, lưu truyền khi sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức thường xuyên, chặt chẽ, có hệ thống. Các hoạt động biểu diễn có tác dụng tích cực trong việc khơi dậy truyền thống, phong tục tập quán của cộng đồng. Đồng thời, còn là nơi để mọi người thể hiện sự khát khao giao hòa với thiên nhiên hùng vĩ… Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác kiểm tra, quản lý các hoạt động VHCC. Nếu không xây dựng được đội ngũ cán bộ chuyên trách tâm huyết, yêu nghề, hiểu được văn hóa, con người Tây Nguyên thì công tác gìn giữ sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chỉ hiểu được giá trị của VHCC khi họ biết được tầm quan trọng, ý nghĩa của nó trong đời sống, cũng như trong các hoạt động du lịch khác...

M.T

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-ngan-mai-am-thanh-dai-ngan-122813.html