Để ngày khai trường chạm đến từng đứa trẻ…

TS. Nguyễn Khánh Trung (Tổ chức Giáo dục Emile Việt) chia sẻ, ngày đầu tiên đến trường là sự khởi đầu của một chặng đường mới trên con đường học tập và phát triển nhân cách của trẻ. Do đó, mọi hoạt động phải xuất phát từ quan điểm lấy học sinh làm trung tâm.

Trẻ cần một ngày khai giảng vui vẻ. (Ảnh: Yến Nguyệt)

Nhân dịp khai giảng năm học mới, xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Khánh Trung dành riêng cho TG&VN xung quanh câu chuyện khai trường…

Khai giảng rườm rà

Từ nhiều năm nay, ngày khai trường trở nên rườm rà, hình thức đến mức đang bị hiểu là “thủ tục hóa” và không mang lại ý nghĩa thực sự. Hiện trạng này đã tồn tại nhiều năm nay, nó ăn sâu bám rễ vào cách nghĩ và cách làm của những người quản lý giáo dục.

Người ta cứ theo lối mòn, làm theo mẫu có sẵn năm này qua năm khác, các hiệu trưởng phụ thuộc vào những chỉ thị của cấp trên nên khó lòng thoát ra để làm khác đi.

Muốn ngày khai giảng thực sự chạm đến từng đứa trẻ, trước hết phải xuất phát từ quan điểm lấy học sinh làm trung tâm. Nghĩa là, các hoạt động trong trường học phải là vì học sinh, vì sự phát triển về mọi mặt của các em, kể cả các hoạt động trong ngày khai giảng.

TS. Nguyễn Khánh Trung. (Ảnh: NVCC)

Khi người ta thực sự ý thức và hành động theo nguyên tắc này thì kịch bản khai giảng phải được thiết kế làm sao cho các cháu vui và đem lại hữu ích cho các cháu, chứ không phải là phục vụ cho các đại biểu, cho thành tích của trường hay cho bất kỳ ai hay cái gì khác.

Rõ ràng, cách khai giảng hiện nay không phục vụ học sinh: cảnh học sinh ngồi yên giữa trời nắng để nghe ông này, bà nọ đọc báo cáo dài lê thê. Đó là chưa kể, nhiều phụ huynh hoặc đại biểu mỗi người đều cầm điện thoại đọc báo, lướt facebook để “giết thời gian”. Ở trên đại biểu đọc diễn văn, ở dưới, không ít học sinh nói chuyện riêng, mệt mỏi hoặc che miệng ngáp…

Ngày đầu tiên đến trường của một năm học mới rất quan trọng, là sự khởi đầu của một chặng đường mới trên con đường học tập và phát triển nhân cách của trẻ. Vì vậy, cha mẹ, thầy cô cần dành thời gian, cần quan tâm đến trẻ trong việc chuẩn bị quần áo, cặp, sách vở, cùng con đến trường…

Quan trọng làm sao để ngày đó trở thành những kỷ niệm đẹp, để trẻ thấy: được học, được đến trường là một niềm vui. Từ đó, trẻ có được động lực và sự háo hức, mong muốn học tập ngay từ đầu năm học, chứ đừng làm gì để trẻ thấy chán và mệt mỏi ngay ngày đầu tiên của năm học mới.

Có cần lễ khai giảng khi…

Thực tế nhiều người đặt ra câu hỏi: “Có cần lễ khai giảng nữa không khi hiện nay đó không còn là ngày đầu tiên đến trường?”. Tôi nghĩ, có tổ chức khai giảng hay không và hình thức tổ chức thế nào nên dành cho ban giám hiệu nhà trường quyết định. Nếu trường nào đó thấy cần và hữu ích cho học sinh thì cứ tổ chức theo cách của họ, nhưng nếu đã tổ chức, thì ngày khai giảng nên là ngày đầu tiên của năm học chứ không nên bắt học sinh học mấy tuần rồi mới khai giảng như hiện nay.

Việc học trước, khai giảng sau làm mất hết ý nghĩa và sự “linh thiêng” của ngày khai giảng, chỉ còn lại là một thủ tục rườm rà, lê thê, không hữu ích gì cho học sinh. Đó là điều đáng tiếc.

Ở Pháp, dường như người ta không tổ chức các buỗi lễ chung kiểu như ở nước ta. Ngay tại trường tiểu học mà con tôi đang theo học, nhà trường tổ chức một cách đơn giản, nhưng mọi hoạt động được thiết kế để dành cho các cháu.

Ngày đầu tiên của năm học mới, nhà trường thường bố trí một số bàn ở sân trường, trên đó có bánh kẹo, nước uống, các thầy cô mời phụ huynh (ngày này thường cả cha và mẹ, nhiều trường hợp là cả ông bà cùng đưa con đến trường, nhất là với các bé mới nhập trường), đặc biệt là học sinh của mình nhấm nháp, tự do chào hỏi nhau sau mấy tháng hè gặp lại. Mọi người nói chuyện với nhau tầm 15 phút, cô hiệu trưởng nói: “Chúc các con một năm học mới tốt đẹp!” rồi vào học bình thường.

Còn trường cấp 2 của con lớn nhà tôi cũng không thấy có tập hợp hay nghi thức nào. Ngày đầu tiên khi vào lớp 6, học sinh được các thầy cô chủ nhiệm hướng dẫn làm quen với phòng học, chỉ nơi cất cặp sách, đồ dùng cá nhân, rồi cô hướng dẫn làm quen với trường lớp, thư viện, các dịch vụ, các nơi vui chơi, các câu lạc bộ, bạn bè mới.

Nguyệt Anh (ghi)

TS. Nguyễn Khánh Trung

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/de-ngay-khai-truong-cham-den-tung-dua-tre-100533.html