Để Nghệ An phát triển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm
Tiếp tục chương trình Kỳ họp, chiều 6/6, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.
Tại nghị trường, đại biểu Quốc hội Trần Văn Thức (Thanh Hóa) nêu rõ, dự thảo Nghị quyết là bước kế thừa, triển khai Nghị quyết 36/2021/QH15 của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Năm 2013, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 26-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Nếu tỉnh Nghệ An không có hoặc không có đủ các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ khó thực hiện, hoàn thành được các mục tiêu Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra" - đại biểu Trần Văn Thức nhấn mạnh điều này và nêu rõ, hiện nay có 10 tỉnh, thành được thí điểm thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, khi dự thảo Nghị quyết này được ban hành và thực hiện, thì sẽ có thêm cơ sở thực tiễn để đánh giá cơ chế, chính sách nào có hiệu quả, có thể nhân rộng và luật hóa. Do vậy, việc ban hành Nghị quyết ở thời điểm này là phù hợp và cần thiết.
Liên quan đến chính sách “các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An”, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt vấn đề: Quy định này có bó hẹp phạm vi mà các tỉnh bạn hỗ trợ?
Đại biểu đề nghị nên quy định theo hướng mở: “các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An, ưu tiên hỗ trợ huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An". Theo đại biểu, nếu chỉ cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An thì sẽ thiếu tính linh hoạt, nên cân nhắc để quy định nêu trên theo hướng mở hơn để tiếp cận tối đa nguồn lực của các địa phương dành cho tỉnh Nghệ An.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, đạt mục tiêu các Nghị quyết của Trung ương đề ra, bảo đảm cho Nghệ An phát triển toàn diện có trọng tâm, trọng điểm, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; đưa Nghệ An trở thành một trong động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ, phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế văn hóa của cả vùng Bắc Trung Bộ.
Tuy nhiên, có một số đại biểu còn băn khoăn về tính trọng tâm, trọng điểm, sự đột phá của chính sách, đề nghị làm rõ hơn chính sách phát triển kinh tế biển, kinh tế rừng, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu, thu hút nhà đầu tư chiến lược; đánh giá thêm kết quả, hiệu quả thời gian thực hiện các chính sách đã thí điểm ở một số địa phương khi cho phép Nghệ An áp dụng.