Để nghệ thuật Việt Nam vươn ra thế giới mà không đánh mất chính mình
'Lịch sử và bản sắc không phải điều gì cổ kính, xa vời; đó là nền móng để chúng ta tạo ra những giá trị mới có phong cách riêng biệt, có chiều sâu và sức sống bền vững'.
Trong dòng chảy hối hả của thời đại kỹ thuật số, khi công nghệ và trí tuệ nhân tạo ngày càng chi phối mọi lĩnh vực đời sống, con người bỗng chốc đối diện một nỗi lo âm thầm: quên đi mình là ai, đến từ đâu. Cùng với quá trình hội nhập, thế hệ trẻ hôm nay dễ dàng tiếp cận tri thức thế giới, trở thành công dân toàn cầu chỉ với một cái chạm tay, khiến họ càng dễ xa rời cội nguồn văn hóa dân tộc.
Câu hỏi “Lịch sử có ảnh hưởng gì đến sáng tạo nghệ thuật?” không còn là những mối trăn trở học thuật. Đó là thực tại, là nhu cầu cấp thiết để thế hệ trẻ tự do sáng tạo nhưng không đánh mất bản sắc dân tộc.
Buổi ra mắt hai cuốn sách Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam từ một hướng tiếp cận hiện đại: Huế, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và Re-embracing Vietnamese Identity through Hue Fine Art vào tối ngày 11/4 chính là câu trả lời rõ ràng. Hai cuốn sách trên không chỉ là tư liệu khảo cứu, mà còn là hành trình đối thoại giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc Việt và xu hướng toàn cầu.

Sách Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam từ một hướng tiếp cận hiện đại: Huế, Nam Trung Bộ, Nam Bộ (phải) và Re-embracing Vietnamese Identity through Hue Fine Art. Ảnh: Hoàng Yến.
Mỹ thuật là kết tinh của văn hóa và con người
“Con người đi qua, văn hóa ở lại. Mỹ thuật là kết tinh của văn hóa, chính trị và con người”, PGS.TS Lê Văn Tạo, Chủ biên cuốn Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam từ một hướng tiếp cận hiện đại: Huế, Nam Trung Bộ, Nam Bộ, chia sẻ khi nói về hành trình nghiên cứu suốt một thập kỷ của nhóm tác giả.
Lấy Huế làm trung tâm khảo sát, cuốn sách mở rộng không gian nghiên cứu đến vùng đất Chăm cổ kính của Nam Trung Bộ, rồi xuôi về miền Tây sông nước... và đối sánh với mỹ thuật Bắc Bộ. Qua đó, công trình này làm nổi bật vai trò lan tỏa và điều tiết văn hóa của Huế.
PGS.TS Lê Văn Tạo nhận định mỹ thuật Huế không mang một diện mạo riêng biệt mà là sự tổng hòa, tích hợp của nhiều giá trị: từ quá trình mở rộng bờ cõi đến tiến trình tiếp biến văn hóa; từ các chuẩn mực cứng nhắc của hệ tư tưởng phong kiến bảo thủ đến làn gió mới từ văn hóa phương Tây. Tất cả tạo nên một Huế vừa trầm tích, vừa chuyển động khi vừa gìn giữ cốt cách xưa nhưng vẫn mở ra không gian nghệ thuật mang tinh thần thời đại để rồi ảnh hưởng ngược lại đối với mỹ thuật Bắc Bộ.
Cấu trúc sách gồm 3 phần theo địa lý vùng miền, mỗi phần đi sâu vào những biểu đạt mỹ thuật đặc trưng: mỹ thuật cung đình, chùa chiền, lăng tẩm ở Huế; nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc tháp Chăm ở Nam Trung Bộ; và các công trình chùa cổ, miếu thờ của người Hoa, người Khmer ở Nam Bộ. Hơn 150 hình ảnh tư liệu trong sách là minh chứng trực quan cho nỗ lực đồng hành cùng người đương đại để làm sáng tỏ dần những di sản mỹ thuật của người xưa để lại.


PGS.TS Lê Văn Tạo, Chủ biên cuốn Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam từ một hướng tiếp cận hiện đại: Huế, Nam Trung Bộ, Nam Bộ (trái), và ThS Phan Quân Dũng, Chủ biên ấn phẩm Re-embracing Vietnamese Identity through Hue Fine Art tại buổi giao lưu. Ảnh: Hoàng Yến.
Khi bản sắc Việt đối thoại với thế giới
Nếu như Mỹ thuật cổ truyền Việt Nam từ một hướng tiếp cận hiện đại là hành trình xuyên suốt ba miền đất nước thì Re-embracing Vietnamese Identity through Hue Fine Art lại là một lát cắt tinh tế, tập trung khai thác chiều sâu văn hóa và nghệ thuật của vùng đất cố đô. Với 5 chương viết hoàn toàn bằng tiếng Anh, cuốn sách mở ra cánh cửa cho bạn đọc quốc tế bước vào thế giới của nghệ thuật trang trí đình làng, nhà rường, bình phong, những biểu tượng gắn liền với thẩm mỹ truyền thống Huế.
Không dừng lại ở khảo cứu, nhóm tác giả còn lồng ghép các dự án sáng tạo của sinh viên như thiết kế bao bì, trang phục... được lấy cảm hứng từ các họa tiết cổ như phượng hoàng, long vân, mây hoa. Sự sáng tạo dựa trên truyền thống này là câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi: Trong thời đại toàn cầu hóa, đâu là cội rễ để nghệ thuật Việt vươn ra thế giới mà không đánh mất chính mình?
Phát biểu tại buổi ra mắt sách, ThS Phan Quân Dũng, Chủ biên ấn phẩm Re-embracing Vietnamese Identity through Hue Fine Art, nhấn mạnh: “Chúng ta không thể sáng tạo đích thực nếu không biết mình là ai. Lịch sử và bản sắc không phải điều gì cổ kính, xa vời; đó là nền móng để chúng ta tạo ra những giá trị mới có phong cách riêng biệt, có chiều sâu và có sức sống bền vững”.
Trong bối cảnh hiện đại hóa diễn ra nhanh chóng, việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cách để khẳng định bản sắc Việt trong dòng chảy hội nhập. Chỉ khi sáng tạo bắt rễ từ cội nguồn, Việt Nam mới có thể tự tin bước ra thế giới.