Đề nghị bất ngờ của các nhà đầu tư tại phiên tòa xét xử vụ FLC

Một số nhà đầu tư đề nghị tòa sơ thẩm xem xét sớm giải quyết vụ án. Mục đích là để cho bị cáo Trịnh Văn Quyết nhanh chóng giải quyết hậu quả, đảm bảo quyền lợi cho người mua cổ phiếu.

Ngày 24/7, trong tổng số gần 100.000 nhà đầu tư mua cổ phiếu được Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hà Nội triệu tập đến phiên tòa vụ án tại Tập đoàn FLC, chỉ 5 người có mặt trong phòng xử án để trình bày nguyện vọng.

Theo ghi nhận của PV, so với ngày đầu tiên diễn ra phiên xử, số nhà đầu tư bám trụ lại tại phiên tòa chỉ còn một nửa. Với diễn biến này, sáng nay, tòa án đã dỡ bỏ rạp lưu động cùng gần 1.000 ghế ngồi mà trước đó được chuẩn bị để tiếp đón người liên quan.

Một trong số đó là ông Lưu Quang Hưng (SN 1974, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội). Trình bày tại tòa, ông Hưng nói mình đang nắm giữ 150.000 cổ phiếu ROS của Công ty Faros.

Nhiều người liên quan và nhà đầu tư đến tòa để đề nghị được đảm bảo quyền lợi.

Nhiều người liên quan và nhà đầu tư đến tòa để đề nghị được đảm bảo quyền lợi.

Quá trình theo dõi phần xét hỏi các bị cáo, ông Hưng tỏ ra bất ngờ khi cơ quan tố tụng xác định, số tiền 4.300 tỷ đồng vốn điều lệ của Công ty Faros có nguồn gốc ảo do các bị cáo lập ra từ hồ sơ khống và báo cáo tài chính gian dối.

Tuy nhiên, điều mà ông Hưng thắc mắc là trong vụ án này, ông được xác định tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, không phải bị hại. Do đó, nhà đầu tư này mong muốn hội đồng xét xử chấp nhận ông là bị hại.

Trong khi đó, ông Vũ Xuân Hòa (SN 1964, trú quận Long Biên, Hà Nội) lại đồng tình với vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ở vụ án. Theo ông Hòa, bản thân đang sở hữu cổ phiếu ROS nên chưa bị thiệt hại.

Vì lý do này, ông Hòa đứng trước tòa xin hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, để ông này sớm trở về tiếp tục sản xuất kinh doanh. Như vậy thì cổ phiếu ROS mới tiếp tục được tái niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán.

Cũng trong sáng nay, một số nhà đầu tư có mặt tại phòng xử án đã đề nghị tòa sơ thẩm xem xét sớm giải quyết vụ án. Mục đích là để cho bị cáo Quyết nhanh chóng giải quyết hậu quả, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu.

Bị cáo Hương Trần Kiều Dung (áo trắng).

Bị cáo Hương Trần Kiều Dung (áo trắng).

Trong một diễn biến khác, đại diện Tập đoàn FLC trình bày tại tòa cho biết, doanh nghiệp này không có quan hệ trực tiếp với Công ty Faros hay Công ty chứng khoán BOS. FLC cũng không nhận khoản tiền nào từ các bị cáo phạm tội mà có.

Còn theo đại diện Công ty Faros, đơn vị này vẫn đang hoạt động bình thường nên doanh nghiệp sẵn sàng họp đại hội cổ đông.

Liên quan trách nhiệm dân sự, tại phần xét hỏi trước đó, khi trả lời người bào chữa là luật sư Đặng Vũ Hải Yến, Trịnh Văn Quyết khẳng định rằng nếu tòa sơ thẩm kết luận bị cáo phải có trách nhiệm đối với số tiền này, ông ta sẵn sàng chấp nhận phán quyết và có nguyện vọng được khắc phục hoàn toàn hậu quả vụ án.

Theo bị cáo này, tại thời điểm ông ta bị khởi tố và bắt tạm giam, toàn bộ số tài sản bị phong tỏa, kê biên ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng. Hiện, bị cáo đã đề nghị các cơ quan tố tụng cho phép bán các tài sản này, bao gồm cả cổ phiếu FLC để khắc phục hậu quả.

Chiều nay (24/7), phiên tòa tạm nghỉ và tiếp tục làm việc vào ngày 25/7.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-nghi-bat-ngo-cua-cac-nha-dau-tu-tai-phien-toa-xet-xu-vu-flc-192240724142734987.htm