Đề nghị bỏ đề xuất sinh viên làm thêm không quá 24 giờ mỗi tuần

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất đã bỏ quy định về giới hạn số giờ làm thêm của học sinh, sinh viên không quá 24 giờ mỗi tuần như đề xuất trước đó…

Sinh viên tìm hiểu thông tin việc làm. Ảnh: Nhật Dương.

Sinh viên tìm hiểu thông tin việc làm. Ảnh: Nhật Dương.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) mới nhất quy định về việc làm không trọn thời gian của học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy.

Theo đó, người lao động là học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy đủ độ tuổi lao động theo quy định dự Luật này, được làm việc theo quy định của pháp luật về lao động.

Tiền lương của người lao động là học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ.

Người lao động là học sinh, sinh viên khi làm việc không trọn thời gian có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục.

Theo dự thảo Luật, người sử dụng lao động có trách nhiệm sử dụng lao động là học sinh, sinh viên theo quy định pháp luật về lao động. Cơ sở giáo dục, gia đình có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ người lao động là học sinh, sinh viên trong quá trình làm việc.

Trước đó, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) quy định học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian, nhưng không quá 24 giờ mỗi tuần trong năm học, nới thêm 4 giờ so với dự thảo Luật được lấy ý kiến hồi tháng 3.

Khi đề xuất được đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều góp ý của các Bộ, ngành, đơn vị. Trong đó, Bộ Tài chính cho rằng đây là nội dung mới trong dự thảo Luật so với Luật Việc làm năm 2013, trong khi tại dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chưa thuyết minh căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn đề xuất nội dung này.

Bộ Tài chính đề nghị làm rõ tính khả thi trong thực hiện, đảm bảo phù hợp với bối cảnh quản lý kinh tế, xã hội của Việt Nam. Hơn nữa, việc đề xuất chính sách cần có giải pháp và cách thức quản lý đi kèm.

Trong khi đó, Ủy ban nhân dân TP. HCM đề nghị tách ra thành 2 đối tượng là học sinh và sinh viên, để có quy định số giờ được phép làm việc trong kỳ học phù hợp cho từng đối tượng.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Phước đề nghị dự thảo Luật thiết kế đối tượng này là thanh niên và chưa thành niên, để áp dụng chi trả tiền công theo quy định của pháp luật lao động.

Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đề nghị rà soát lại căn cứ pháp lý, tính phù hợp của quy định việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên.

Bởi học sinh, sinh viên, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Bên cạnh đó, nội dung về làm việc không trọn thời gian đã được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động 2019 (tại Điều 32).

Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị nghiên cứu quy định mức tiền công tối thiểu để tránh việc thỏa thuận quá thấp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động (là học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian).

Sau điều chỉnh từ ngày 1/7 năm nay, hiện mức lương tối thiểu theo giờ tại vùng I là 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.

Dự thảo luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10/2024.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/de-nghi-bo-de-xuat-sinh-vien-lam-them-khong-qua-24-gio-moi-tuan.htm