Đề nghị bỏ quy định giới hạn diện tích quảng cáo trên báo
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đề nghị bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường...
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 8, chiều 25/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc tự chủ tài chính
Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc "tự chủ tài chính".
Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường.
Cùng quan điểm, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa- Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phân tích, hiện nay các cơ quan báo chí gặp khó khăn không phải vì thiếu diện tích quảng cáo, mà là thiếu quảng cáo. Các doanh nghiệp, các nhà quảng cáo có nhiều phương thức quảng cáo khác nữa hiệu quả hơn báo in.
Do đó, đại biểu Nghĩa ủng hộ phương thức nên giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo và cùng ý kiến với đại biểu Phạm Văn Hòa.
Lo ngại hình thành những chuẩn mực không lành mạnh
Về quảng cáo đối với trẻ em, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng chỉ rõ, trẻ em đang ngày càng phải đối mặt với những hình thức quảng cáo tinh vi, đòi hỏi cần có những quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ quyền lợi của các em.
Đặc biệt, thông qua các thuật toán thông minh- phân tích hành vi của trẻ để đưa ra những quảng cáo cá nhân hóa, vô hình trung tạo ra một áp lực lớn lên tâm lý của các em. "Việc tiếp xúc quá sớm và thường xuyên với quảng cáo có thể dẫn đến các vấn đề như tiêu dùng bốc đồng, hình thành những chuẩn mực không lành mạnh về vẻ đẹp và thành công, thậm chí gây ra các rối loạn tâm lý".
Đại biểu Tú Anh đề nghị, dự thảo Luật bổ sung định nghĩa rõ ràng về "quảng cáo nhắm vào trẻ em", bao gồm cả quảng cáo trực tiếp và gián tiếp. Cùng đó, cần chi tiết hóa các quy định về nội dung, hình thức quảng cáo nhắm vào trẻ em, tăng cường các biện pháp xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định; xây dựng một cơ chế giám sát hiệu quả để phát hiện và xử lý các vi phạm.
Cùng quan điểm, Đại biểu Lê Văn Khảm- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, Luật Quảng cáo hiện hành đã có quy định về việc cấm quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, hành động trái với đạo đức và thuần phong, mỹ tục và cấm quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ em.
Tuy nhiên, những quy định này còn chung chung. Vì vây, đại biểu Khảm đề nghị, "quy định rõ hơn nội dung về cấm quảng cáo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và phát triển bình thường của trẻ em; phải có tổ chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ đánh giá và giám sát việc quảng cáo".