Đề nghị bổ sung, bảo đảm nguyên tắc lồng ghép giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa

Về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, Hồ sơ về Chương trình chưa có đánh giá tác động đầy đủ về giới, làm cơ sở cho việc lồng ghép giới vào các nội dung, hoạt động, dự án của Chương trình.

 Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, phát biểu

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, phát biểu

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 3/6, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết: Việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước.

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, tại Khoản 9 Điều 4 Luật Đầu tư công quy định Chương trình mục tiêu quốc gia có phạm vi đầu tư ở trong nước. Tuy nhiên, Chương trình có nội dung đầu tư, xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng việc nghiên cứu, đề xuất nhiệm vụ đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài là cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Về bảo đảm lồng ghép giới trong Chương trình, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết: Có ý kiến cho rằng Hồ sơ về Chương trình chưa có đánh giá tác động đầy đủ về giới, làm cơ sở cho việc lồng ghép giới vào các nội dung, hoạt động, dự án của Chương trình; đề nghị Chính phủ bổ sung để bảo đảm nguyên tắc lồng ghép giới trong mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu, dự án và có định lượng kết quả đầu ra.

Về tổng mức đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết: Có ý kiến cho rằng tổng số vốn dự kiến dành cho Chương trình là khá lớn, cao hơn so với các Chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang thực hiện. Đề nghị Chính phủ làm rõ căn cứ để xác định tổng mức vốn của Chương trình.

Các đại biểu tại hội trường Quốc hội

Các đại biểu tại hội trường Quốc hội

Về các nội dung thành phần của Chương trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhất trí với 10 nội dung thành phần của Chương trình và cho rằng các nội dung này đã phản ánh được đầy đủ yêu cầu về lý luận và thực tiễn phát triển văn hóa trong giai đoạn tiếp theo.

Tuy nhiên, về các chỉ tiêu cụ thể, hệ thống chỉ tiêu lớn, nhiều nội dung được lượng hóa nhưng chưa được thuyết minh cụ thể về cơ sở khoa học, thực tiễn để xác định. Nhiều chỉ tiêu hỗn hợp, ghép nhiều nội dung khác nhau, dẫn đến khó thống kê, khó thực hiện, khó đánh giá kết quả. Một số chỉ tiêu còn cao so với thực tế; chưa phù hợp với yếu tố đặc thù của từng vùng, từng địa phương.

Về các nhiệm vụ cụ thể, nhiều nhiệm vụ cụ thể của một số nội dung thành phần còn chung chung, dàn trải, mang tính mục tiêu nhiều hơn; nhiều nội dung chưa được thiết kế hợp lý, phù hợp với nguồn lực thực hiện. Một số nội dung cụ thể chưa phân cấp rõ ràng về trách nhiệm quản lý, thanh tra, kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện; có nhiệm vụ không phù hợp với thẩm quyền theo các văn bản mới ban hành.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, nghiên cứu điều chỉnh, sắp xếp các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ một cách cụ thể, hệ thống, phù hợp hơn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/de-nghi-bo-sung-bao-dam-nguyen-tac-long-ghep-gioi-trong-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-van-hoa-20240603095412391.htm