Đề nghị Chính phủ làm rõ nhiều vấn đề về 3 dự án cao tốc phía Nam
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ nhiều vấn đề về dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, trước khi trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới đây.
Tổng thư ký Quốc hội vừa có thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp thứ 11, về ba dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Theo đó, UBTVQH thống nhất sự cần thiết phải đầu tư các dự án trên. Tuy nhiên, qua thảo luận cho thấy còn rất nhiều vấn đề, nội dung Chính phủ cần bổ sung hoặc làm rõ, đặc biệt việc phân bổ nguồn vốn đầu tư dự án.
Vì vậy, để đủ điều kiện trình Quốc hội, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến cơ quan thẩm tra, đại biểu nhằm hoàn thiện hồ sơ, tờ trình các dự án này.
Trong đó, UBTVQH lưu ý Chính phủ cần khẩn trương báo cáo UBTVQH cho ý kiến hoặc quyết định phương án tổng thể phân bổ vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chưa phân bổ vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để có căn cứ bố trí vốn cho 3 dự án này.
Chính phủ cũng được đề nghị rà soát, thuyết minh rõ sơ bộ tổng mức đầu tư, cơ cấu tổng mức đầu tư, căn cứ phân chia các dự án thành phần, tính toán chi tiết nội dung chi vốn ngân sách trung ương và địa phương. Riêng vốn ngân sách địa phương phải thêm Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về tổng nguồn vốn tham gia, tiến độ giải ngân, việc tăng vốn địa phương trong trường hợp tăng tổng mức đầu tư.
“Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về cam kết vốn của các địa phương; làm rõ căn cứ, cơ chế phân bổ vốn ngân sách trung ương cho các dự án thành phần của ba dự án. Không tính toán số tiết kiệm do cơ chế chỉ định thầu (xây lắp) để làm giảm tổng mức đầu tư...”- UBTVQH đề nghị.
Cạnh đó, UBTVQH cũng lưu ý Chính phủ làm rõ việc đầu tư của ba dự án trong giai đoạn này có hợp lý không. Sự phù hợp của ba dự án với các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, địa phương…; rà soát, thuyết minh tiến độ đầu tư 3 dự án trong giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 – 2030, đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến tiến độ triển khai.
Về việc Chính phủ đề xuất làm đường cao tốc không có làn xe dừng khẩn cấp (tương tự dự án Trung Lương – Mỹ Thuận), UBTVQH đề nghị làm rõ lý do, mức độ an toàn giao thông khi mặt đường là 17m, cầu 17,5m, vì chưa phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam. Song song đó, nghiên cứu, rà soát vận tốc thiết kế, các nút giao trên toàn tuyến, để đảm bảo hiệu quả khai thác, tối ưu tổng mức đầu tư.
Chính phủ cũng cần cân nhắc và thuyết minh rõ căn cứ, lý do để đầu tư toàn bộ dự án bằng vốn đầu tư công, đặc biệt dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Làm rõ phương án thu phí và phân chia nguồn thu phí của ba dự án.
Về cơ chế đặc thù cho các dự án, UBTVQH, đề nghị Chính phủ báo cáo, phân tích để làm rõ hơn việc đáp ứng các tiêu chí áp dụng cơ chế, chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cạnh đó, chỉ đề nghị Quốc hội những cơ chế cấp bách, thực sự cần thiết, không dàn trải chính sách đặc thù làm phá vỡ tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chính phủ cần bổ sung báo cáo đánh giá năng lực của các địa phương tham gia đầu tư ba dự án. Trong đó, lưu ý phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của Bộ GTVT, các cơ quan liên quan, các địa phương tại từng bước thực hiện dự án; có giải pháp để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý khi thực hiện các dự án và khi đưa vào khai thác, vận hành...
“Ngoài ra, hồ sơ các dự án phải thể hiện rõ cơ quan trình Quốc hội là Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về nội dung; các bộ, ngành, địa phương theo phân công chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng...”- Kết luận của UBTVQH nêu rõ.
Ba dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư khoảng 84.463 tỉ đồng.
Chính phủ đề xuất Quốc hội được áp dụng Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó có cơ chế về chỉ định thầu, giao cho các địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần…