Đề nghị cho giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm

Kinhtedothi – Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã có trả lời cử tri về kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non ít nhất 5 tuổi so với quy định hiện hành.

Cử tri tỉnh Bình Định và Lào Cai bày tỏ, giáo viên mầm non phải năng động, nhanh nhẹn và có sức khỏe để đảm bảo tốt công việc chăm sóc, dạy trẻ múa, hát. Đồng thời, giáo viên mầm non phải tự làm các mô hình, công cụ để phục vụ việc dạy học cho các cháu; do đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non lên 60 tuổi là chưa phù hợp.

Cử tri đề nghị cho giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định. Ảnh: Nam Du.

Cử tri đề nghị cho giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm so với quy định. Ảnh: Nam Du.

Cử tri mong Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, rà soát, sớm xây dựng thông tư hướng dẫn xác định danh mục nghề, công việc đặc biệt; trong đó quan tâm bổ sung giáo viên mầm non vào đối tượng ngành nghề đặc biệt. Đề nghị cho giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở tuổi 55, sớm ít nhất là 5 năm so với quy định chung về tuổi nghỉ hưu tại Bộ luật Lao động năm 2019.

Về vấn đề này, Bộ LĐTB&XH cho biết, Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Việc rà soát bổ sung, sửa đổi danh mục nghề làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được thực hiện hàng năm, dựa trên kết quả đánh giá điều kiện lao động và đề xuất của các bộ, ngành, địa phương.

Trong quá trình rà soát, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT đã có công văn số 929/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 21/6/2019 đề nghị giữ nguyên 4 nghề, công việc của ngành giáo dục đào tạo tại danh mục nghề đã được ban hành, gồm: thí nghiệm vật lý hạt nhân; thí nghiệm hóa phóng xạ; thí nghiệm hóa, sinh, điện cao áp; thủ kho hóa chất; và không có đề xuất thêm.

Theo các nghiên cứu, đánh giá điều kiện lao động, cho đến nay, nghề giáo viên mầm non chưa đủ các yếu tố, điều kiện lao động để xếp vào nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Do đó, tại danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được ban hành kèm theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH không có nghề, công việc “giáo viên mầm non”.

Hơn nữa, nghề giáo viên mầm non là nghề đặc thù nên khi không còn đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe, chuyên môn thì giáo viên có thể được hỗ trợ đào tạo chuyển sang nghề khác, nếu có nhu cầu làm việc.

Bộ LĐTB&XH cho biết sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá thêm các yếu tố đặc trưng về điều kiện lao động của nghề giáo viên mầm non để xem xét, bổ sung theo nguyện vọng của cử tri.

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/de-nghi-cho-giao-vien-mam-non-duoc-nghi-huu-som-5-nam.html