Đề nghị công an vào cuộc làm rõ vụ cháu bé bị ngã ở nhóm trẻ Ngôi nhà xanh
Chiều 12/4, thông tin với báo Pháp luật Việt Nam, đại diện cơ sở nhóm trẻ Ngôi nhà xanh cho biết, đã nộp đơn tới cơ quan chức năng đề nghị công an vào cuộc làm rõ vụ cháu bé bị ngã.
Theo thông tin từ luật sư Phạm Đức Hòa, đại diện được ủy quyền của Cơ sở nhóm trẻ mẫu giáo độc lập tư thục Ngôi nhà xanh (gọi tắt là Ngôi nhà xanh), cho biết, đại diện Ngôi nhà xanh đã nộp đơn gửi cơ quan công an đề nghị làm rõ những thông tin liên quan đến vụ cháu bé bị ngã ở cơ sở trông giữ trẻ này. Theo ông Hòa, phải có sự vào cuộc của cơ quan công an với thẩm quyền điều tra vụ án, mới có thể giải đáp được một số vấn đề mà Ngôi nhà xanh và gia đình không thể thống nhất như chính xác nguyên nhân, thời điểm cháu bé bị gãy chân; truy xuất dữ liệu đã bị ghi đè của camera lớp học.
Ông Hòa cho biết, việc tìm nguyên nhân, thời điểm gãy chân của cháu bé là một "khao khát" của người phụ trách cũng như cô giáo chủ nhiệm. Bởi nếu điều này không được làm rõ, sẽ rất ảnh hưởng đến thương hiệu của Ngôi nhà xanh, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín danh dự, lương tâm của người phụ trách nhóm trẻ và cô giáo trông nom trẻ.
Thông tin thêm về vụ việc, bà Nguyễn Thị Trà - người được giới thiệu là chủ cơ sở - nói thêm: Đơn gửi đến cơ quan công an cũng đề nghị làm rõ những dấu hiệu vu khống, thông tin sai sự thật làm ảnh hưởng đến cá nhân và thương hiệu của nhóm trẻ Ngôi nhà xanh.
Nhảy cùng bạn, bé 2 tuổi bị ngã
Trước đó, trên mạng xã hội và một số trang thông tin có đăng tải chia sẻ của chị NHP (trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Chị cho biết con trai chị là cháu P.N (sinh năm 2020) theo học tại cơ sở mầm non Ngôi nhà xanh. Khoảng gần 9h ngày 17/2, gia đình chị đưa con đến lớp với tình trạng sức khỏe hoàn toàn bình thường. Khoảng 9h40p, chị nhận được điện thoại của cô L.A (một trong 2 cô giáo phụ trách lớp). Cô giáo báo chị tới đón trẻ với lý do “con bị ngã, trật cổ chân”.
“Trong điện thoại, tôi có nghe rõ tiếng con khóc. Khoảng 10h10, khi tới lớp, tôi thấy con đang ngồi cùng các bạn ở lớp và vẫn đang khóc”.
Theo chị P, khi bế con ra, cô L.A nói con tự ngã. Khi hỏi con ngã ở đâu, cô giáo cho hay sự cố xảy ra khi con vừa vào lớp, thấy các bạn đang nhảy nên con ra nhảy cùng cô với các bạn. Đang làm động tác xoay, bé đã bị ngã ở mép thảm, rồi ngồi thụp xuống.
Phụ huynh chia sẻ, sau đó chị đã đưa con tới nhà ông Lang Cường. Tại đây, chị được tư vấn do tuổi của con còn nhỏ chưa cần chụp X-quang, khám ngoại cho kết luận giãn dây chằng gối và con được bó thuốc.
Trong 2 ngày tiếp theo (18/2 và 19/2), bé bị sốt và không thể đi tiểu tiện, đại tiện, chỉ nằm im không muốn ra khỏi giường. Ống đồng chân của trẻ cũng xuất hiện vết bầm tím.
Ngày 20/2, gia đình chị đưa con vào một bệnh viện khám, chụp X-quang và được kết luận con đã bị gãy chéo 1/3 xương chày chân trái, trên phim chụp có mảnh vỡ xương. Gia đình đã đưa con quay lại chỗ ông Lang Cường để bó thuốc.
20h30 ngày 20/3, bố của cháu bé đã gửi hình ảnh chụp XQ cho cô giáo, và yêu cầu nhóm lớp mẫu giáo trích xuất camera.
Đến 21h06 cùng ngày, gia đình chị P nhận được tin nhắn từ cô phụ trách lớp rằng quản lý cơ sở báo do quá 3 ngày nên không thể xem lại camera.
Thông tin trên các phương tiện thông tin, chị P chia sẻ sự việc xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con, bởi đây là một chấn thương rất nặng. Chị khẳng định nó hoàn toàn khác hẳn với thông tin ban đầu mà gia đình nhận được từ cô phụ trách. Chị bất bình khi được biết nhà trường không có phòng y tế, cô giáo không sơ cứu cho con chị khi cháu bé bị ngã.
Chị P cũng đặt câu hỏi nghi vấn về những khuất tất của nhóm trẻ khi không cung cấp dữ liệu camera, đồng thời bày tỏ sự bất bình khi đến 18 ngày sau, nhóm lớp mẫu giáo mới bố trí buổi làm việc chính thức đầu tiên với gia đình. Và qua 4 lần làm việc, 2 bên vẫn chưa tìm được sự thống nhất.
Những vướng mắc khi hòa giải
Trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam, đại diện cơ sở trông giữ trẻ Ngôi nhà xanh - Luật sư Phạm Đức Hòa - thừa nhận trách nhiệm của Ngôi nhà xanh đối với việc cháu bé bị ngã, Ngôi nhà xanh cũng sẵn sàng chi trả phần chi phí khám chữa bệnh, thuê chuyên gia tâm lý giáo dục để đánh giá mức độ tổn thương cho cháu. Còn những chi phí khác, ông không từ chối, nhưng cho rằng cần phải có sự bàn bạc, cân nhắc của hai bên để đảm bảo chính xác, đúng pháp luật.
Theo thông tin từ ông Hòa, theo lời trình bày của cô chủ nhiệm, cháu bé do nhảy cùng bạn nên bị ngã, hoàn toàn không có tác động ngoại lực. Ảnh mẹ cháu bé chụp gửi cô giáo vào tối ngày hôm đó cũng cho thấy phần cẳng chân cháu hoàn toàn bình thường, nếu có tác động ngoại lực (bị đánh hoặc va vào một vật cứng), thì sau khoảng thời gian 4 - 6 tiếng, sẽ có dấu hiệu tổn thương bên ngoài như sưng nề, bầm tím.
Từ hai dữ liệu đó, theo phán đoán chủ quan của ông Hòa, thương tích là do cháu bé tự ngã.
Ông Hòa cũng cho biết, cơ sở chỉ thỏa thuận với gia đình trong trường hợp hai bên thống nhất là cháu bé tự ngã.
Bởi nếu cháu bị đánh dẫn đến thương tích thì đây lại là vấn đề hình sự cần sự vào cuộc của cơ quan công an và cần phán quyết của cơ quan chức năng, không thuộc phạm vi dân sự để hai bên có thể tự thỏa thuận.
"Đặt trường hợp nếu có tác động ngoại lực - cụ thể là có người đánh cháu, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật và trách nhiệm trước những tổn thương của cháu bé." - ông Hòa giải thích.
Không chính thức phủ nhận việc cháu bé gãy chân sau khi bị ngã ở lớp, nhưng trong cuộc trao đổi với phóng viên, ông Hòa nhiều lần nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn biết rõ nguyên nhân vì sao cháu bị gãy chân, và bị gãy ở "thời điểm" nào. Chúng tôi rất mong muốn cơ quan điều tra vào cuộc, bởi chỉ có cơ quan điều tra mới có thể đưa cháu bé đi giám định một cách nhanh chóng, Và biết đâu, cơ quan điều tra cũng có thể có nghiệp vụ để thể truy suất được camera đã bị ghi đè để tìm lại được hình ảnh cháu bé đã bị ngã như thế nào, khi ở lớp có ai đánh cháu không?"
Giải thích thêm về việc camera bị mất dữ liệu, ông cho biết: Theo cài đặt, dữ liệu của camera chỉ lưu được tối đa là 72 tiếng. Vào ngày cháu bé bị ngã, tối hôm đó, gia đình và cô giáo cũng đã trao đổi. Mẹ cháu nói cháu bị giãn dây chằng gối, và đã băng bó vết thương. Mọi việc không có gì căng thẳng, nên cơ sở cũng chủ quan, không để ý đến vấn đề này. Đến tối ngày 20/3, gia đình mới có yêu cầu, khi đó kỹ thuật kiểm tra thì thời hạn đã là quá 72 tiếng, và không còn dữ liệu của thời điểm cháu bé bị ngã.
Ông cũng cho biết đã mời kỹ thuật viên của một công ty tới để khôi phục dữ liệu nhưng không được.
Cũng theo ông Hòa, nguyên nhân của sự ồn ào này là do hai bên không tìm được nguyên nhân gây thương tích cho cháu bé, không thỏa thuận được trong việc bồi thường cho gia đình.
"Hiện gia đình đang đưa ra nhiều yêu cầu bồi thường nhưng chưa đưa ra con số cụ thể để hai bên có thể thương lượng"- Luật sư Hòa nói.
Trả lời chất vấn của báo chí về việc tại sao 18 ngày sau khi em bé bị ngã, đại diện Ngôi nhà xanh mới gặp gỡ gia đình, người đại diện của Ngôi nhà xanh lý giải: "Ngay sau khi cháu bé bị ngã, cô giáo đã chuẩn bị học liệu mong muốn được đến gặp cháu và đưa học liệu để cháu ở nhà vẫn theo sát được chương trình như các bạn, nhưng gia đình từ chối. Đồng thời gia đình cũng có những tin nhắn, thông tin thể hiện sự bức xúc, thiếu chuẩn mực, nên chúng tôi cảm thấy cần phải có một khoảng thời gian để lắng lại, cả hai bên bình tĩnh rồi mới có thể ngồi lại được với nhau. "Chính bản thân tôi còn đề nghị gia đình cháu cần có luật sư để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của gia đình" - LS Hòa cho biết.
Vào ngày 11/4, UBND phường Cổ Nhuế đã ra văn bản thông báo về việc chấm dứt hoạt động tiếp nhận, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của cơ sở mầm non độc lập tư thục Ngôi Nhà Xanh tại địa chỉ Lô 68-69 TT4, Khu đô thị Thành Phố Giao Lưu, phường Cổ Nhuế 1).,
UBND phường Cổ Nhuế 1 yêu cầu chủ cơ sở chấm dứt ngay hoạt động tiếp nhận, trông giữ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ của cơ sở mầm non Ngôi Nhà Xanh; tháo dỡ toàn bộ hệ thống biển hiệu, quảng cáo có liên quan đến cơ sở mầm non Ngôi Nhà Xanh.
Nguyên nhân của việc chấm dứt hoạt động này có liên quan đến trường hợp cháu bé bị ngã không? Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.