Đề nghị công bố chất lượng nước sạch sông Đuống!
Liên quan đến thông tin Hà Nội mua nước sạch sông Đuống với giá 10.246 đồng/m3 đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều chuyên gia cho rằng không thể nói nước chất lượng cao hơn, mà phải đưa ra các thông số có đạt tiêu chuẩn nước sạch hay không?
Thế nào là nước chất lượng cao?
Thời gian gần đây, câu chuyện về nước sạch tại Thủ đô Hà Nội nhận được nhiều sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Từ sự việc nước sông Đà nhiễm dầu thải cho đến mới đây, xuất hiện thông tin trong mức giá 10.246 đồng/m3 tạm tính của nước sông Đuống có khoảng 2.003 đồng là trả lãi vay của nhà đầu tư.
Từ câu chuyện này, không ít người dân cho rằng họ không có quyền lựa chọn doanh nghiệp cung cấp nước sạch mà “đặt đâu thì dùng đấy”.
Liên quan đến vấn đề này, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã lắng nghe những phân tích, đánh giá từ chuyên gia trong lĩnh vực nước, luật sư.
Trao đổi với PV, TS. Nguyễn Văn Khải (Khải ozone), chuyên gia vật lý học bày tỏ: “Tiêu chuẩn thế nào là nước sạch, chất lượng cao hơn, đề nghị công bố. Tiêu chuẩn của nước sông Đuống thế nào thì công bố lên. Không thể cứ nói nước chất lượng hơn mà phải đưa ra các thông số, có đạt thông số tiêu chuẩn nước sạch hay không?”.
Từ những phân tích trên, TS. Nguyễn Văn Khải bày tỏ mong muốn: “Đầu tiên phải công bố chất lượng nước, thế nào là chất lượng cao hơn. Tiêu chuẩn nào của bộ Y tế về nước cũng cần phải làm rõ”.
Người dân không còn lựa chọn nào khác
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích thêm, không thể theo nguyên tắc thị trường cung cầu gặp nhau, trong tình trạng độc quyền như thế. Điều này, có nghĩa là hiện nay người dân không còn lựa chọn nào khác về nhà cung cấp dịch vụ nước sạch. Chính vì thế, việc tăng giá đơn phương là không hợp lý.
“Công ty nước sạch sông Đuống tự ý tăng giá mà không thông qua ý kiến của người dân, trực tiếp ký với UBND TP. Hà Nội là điều rất vô lý. Người dân phải có quyền được đàm phán về giá, nếu tăng thì tăng ở mức nào?”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích.
Hơn nữa, hiện nay có thể nói công ty nước sạch sông Đuống được gọi là thị trường độc quyền, người dân bắt buộc phải lựa chọn, điều này rất bất công cho người dân.
“Đến cuối cùng người dân vẫn là người chịu thiệt, phải gánh tất cả các chi phí cho nhà máy nước sông Đuống”, chuyên gia kinh tế Hiếu bức xúc.
Vị chuyên gia này cho biết, UBND TP. Hà Nội phải phê duyệt lấy ý kiến người dân trước khi phê chuẩn, nếu làm trái là đang làm trái quy định, trái nguyên tắc dân chủ.
“Chúng ta nên đưa ra giải trình, qua đó UBND TP sẽ triệu tập hội đồng thành phố và có tiếng nói của người dân để đưa ra sự đồng thuận. Nếu có lời giải thích hợp lý thì người dân sẽ vui vẻ đồng thuận”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định thêm.
Trước đó, chiều 12/11, tại buổi Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, trả lời câu hỏi về những thông tin liên quan đến giá nước sông Đuống, ông Nguyễn Việt Hà - Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội đã có những trao đổi với phóng viên.
Trả lời câu hỏi về việc tại sao giá nước sông Đuống lại cao hơn sông Đà, ông Hà lý giải về nguyên tắc tính giá của các đơn vị là giống nhau, đều được thực hiện trên cơ sở Nghị định 117 và Thông tư 75, nhưng giữa các nhà máy có các yếu tố khác nhau. Thứ nhất là công nghệ của nhà máy khác nhau dẫn tới hiệu suất đầu tư của các nhà máy là khác nhau. Thứ hai là chất lượng nguồn nước thô vào khác nhau, chất lượng sông Đà khác và nước sông Đuống khác dẫn tới có sự lệch giá.
Thanh Lam - Di Hân