Đề nghị công bố kết quả thi trên mạng trong đợt dịch virus corona

Trong bối cảnh virus corona khiến nhiều học sinh căng thẳng, giáo sư đại học ở Singapore kêu gọi Bộ Giáo dục nước này công bố kết quả các kỳ thi trên mạng.

Ngày 3/4, GS Lim Sun Sun - Trưởng khoa Khoa học Xã hội, Nghệ thuật và Nhân văn, ĐH Công nghệ & Thiết kế Singapore, nghị sĩ Quốc hội - kêu gọi Bộ Giáo dục nước này cho phép học sinh xem kết quả các kỳ thi quốc gia trên mạng (đảm bảo quyền riêng tư), theo Straitstimes.

Bà cho rằng hàng loạt kỳ thi như tốt nghiệp tiểu học, O-level, A-level đều làm học sinh lo sợ. Trong khi đó, đợt dịch virus corona khiến không khí học tập thêm căng thẳng. Việc cho phép học sinh xem kết quả trực tuyến sẽ giảm bớt áp lực.

 Nghị sĩ Lim Sun Sun cho rằng trong đợt dịch virus corona, ngành giáo dục nên xem xét việc công bố kết quả các kỳ thi qua mạng và đảm bảo riêng tư cho thí sinh. Ảnh: Straitstimes.

Nghị sĩ Lim Sun Sun cho rằng trong đợt dịch virus corona, ngành giáo dục nên xem xét việc công bố kết quả các kỳ thi qua mạng và đảm bảo riêng tư cho thí sinh. Ảnh: Straitstimes.

Đây là một trong 3 giải pháp giáo sư Lim Sun Sun đưa ra tại Quốc hội nhằm giảm bớt nỗi sợ thất bại của học sinh nước này.

Bà dẫn kết quả bài đánh giá PISA công bố tháng 12 năm ngoái cho thấy Singapore nằm trong nhóm có tỷ lệ người trong độ tuổi 15 sợ hãi thất bại cao nhất, dù họ đứng thứ 2 thế giới về ứng dụng kỹ năng, kiến thức và khả năng giải quyết vấn đề.

"Những em đạt thành tích tốt cảm thấy được giải tỏa nhưng những em thi không tốt sẽ thấy việc công khai kết quả không tốt", giáo sư Lim giải thích.

Bà cho rằng việc giảm bớt sự chú ý vào thi cử giúp xã hội gửi thông điệp tích cực đến thế hệ tương lai về văn hóa học tập suốt đời. Việc học không kết thúc ở kết quả các kỳ thi. Hơn nữa, trường đại học và trường nghề cũng rất thành công khi thông báo kết quả thi cử online.

Bà cũng đề nghị trường học nên cởi mở với những học sinh muốn tìm kiếm sự giúp đỡ, tư vấn, sau khi nhận kết quả hoặc những em mong muốn được ăn mừng với giáo viên.

Giáo sư Lim cho rằng một số phương pháp giáo viên sử dụng để thúc đẩy học sinh yếu kém có thể khiến các em càng sợ thất bại. Một số người thậm chí sử dụng biện pháp khắc nghiệt như đọc tên, điểm số của học sinh trước lớp, từ điểm cao đến thấp, tạo áp lực cho người đạt điểm kém.

Về cơ bản, họ có ý tốt nhưng bà Lim tin tưởng xã hội có thể làm thêm nhiều thứ để giúp giáo viên chủ động, tinh tế hơn trong việc giúp đỡ người học chấp nhận, đối mặt thất bại.

"Trường học phải là không gian an toàn, học sinh được phép thất bại và thử lại lần nữa", nữ giáo sư nói.

Bà cũng khuyên giáo viên không nên quá chú trọng điểm số khi trao đổi với phụ huynh. Việc để cha mẹ theo dõi thành tích của con hàng ngày khiến họ "ám ảnh về điểm số và thẩm vấn con về những chuyện xảy ra ở trường".

Đáp lại đề nghị từ nghị sĩ Lim Sun Sun, thư ký cấp cao phụ trách giáo dục Faishal Ibrahim cho biết bộ sẽ "xem xét liên tục" cách các trường công bố kết quả thi.

"Chúng tôi cũng muốn xây dựng hệ thống mà ở đó giáo viên cùng mọi người luôn sẵn sàng giúp đỡ trẻ. Chúng tôi muốn đảm bảo trẻ luôn có cơ hội nhận hướng dẫn trong quá trình trưởng thành", ông khẳng định.

Ông nói thêm thất bại là điều không thể tránh khỏi. Ngày nay, các trường trao cơ hội để người học đối mặt thử thách, thảo luận cởi mở vè thành công, thất bại.

Cha mẹ chống dịch corona, nam sinh 10 tuổi tự lo cho bản thân Khi bố mẹ ra “tiền tuyến” trong trận chiến chống virus corona, Qu Enze, 10 tuổi ở Trung Quốc, phải ở nhà một mình, tự chăm lo bản thân, làm bài tập về nhà.

Nguyễn Sương

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/de-nghi-cong-bo-ket-qua-thi-tren-mang-trong-dot-dich-virus-corona-post1043202.html