Đề nghị công nhận Hà Tĩnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2
Sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị là yếu tố quan trọng để Hà Tĩnh hoàn thành các tiêu chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo quy định
Chiều 9/5, đoàn kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức làm việc với Ban Chỉ đạo thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cấp tỉnh về kết quả công tác kiểm tra công nhận phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại tỉnh Hà Tĩnh.
Đoàn do đồng chí Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học làm trưởng đoàn.
Tham dự buổi làm việc, về phía Hà Tĩnh có đồng chí Đặng Thị Quỳnh Diệp, Phó trưởng Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cấp tỉnh và đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe báo cáo về tình hình thực hiện và kết quả phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2 tỉnh Hà Tĩnh năm 2022.
Thời gian qua, được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các sở, ngành, địa phương, tổ chức chính trị, đoàn thể, sự quan tâm của phụ huynh… các địa phương đạt các điều kiện, tiêu chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ theo quy định.
Năm 2022, toàn tỉnh có 216/216 xã phường, thị trấn; 13/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3; có 216/216 xã, phường, thị trấn; 13/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Số người trong độ tuổi 15-25; 15-35; 15-60 biết chữ đạt tỷ lệ 99,99%.
Toàn tỉnh có 147 trường học (100% công lập, có 17 trường liên cấp), quy hoạch theo hướng trường liên xã, liên cấp có quy mô phù hợp để nâng cao chất lượng giáo dục và thuận lợi, an toàn cho học sinh đi học. Tỷ lệ phòng học/lớp: 1,01, trong đó có 2.382 phòng học kiên cố, 22 phòng học bán kiên cố. Danh mục thiết bị dạy học cơ bản đủ theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đối chiếu theo các tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở quy định tại Nghị định 20/2014/NĐ-CP của Chính phủ, năm 2022, tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung chia sẻ cách làm hay, bài học kinh nghiệm, thảo luận các giải pháp để tiếp tục giữ vững những kết quả đã đạt được.
Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT và Ban Chỉ đạo thực hiện phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cấp tỉnh cũng đã thống nhất thông qua các nội dung dự thảo biên bản kiểm tra.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đề nghị Hà Tĩnh tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương…, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về giáo dục.
Đẩy mạnh thông tin, truyền thông về vai trò, ý nghĩa của công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ; tiếp tục triển khai tốt việc phân luồng học sinh sau cấp trung học cơ sở và định hướng sau cấp trung học phổ thông; tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục mới; tiếp tục làm tốt hơn công tác xã hội hóa giáo dục, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đề nghị các bên hoàn thiện hồ sơ, văn bản để báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, ban hành quyết định công nhận tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2.