Đề nghị đánh giá kỹ hơn tác động tiêu cực từ khí thải xe gắn máy
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 7,4 triệu xe mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe gắn máy), trong đó 67% phương tiện đã sử dụng trên 10 năm vẫn đang tham gia giao thông.
Ngày 8/12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo “Đề án thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.
Đề án được Sở Giao thông Vận tải Thành phố xây dựng sau khi phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) và Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải (ITST) thử nghiệm đo khí thải, hỗ trợ bảo dưỡng xe máy tại 8 đại lý xe gắn máy tại Quận 1, Quận 3, Phú Nhuận và Tân Bình từ tháng 5/2020.
Đến nay, đã có hơn 10.600 xe được kiểm tra khí thải, với kết quả phần lớn xe gắn máy sau 5 năm sử dụng đều không đạt chuẩn khí thải và sau khi kiểm tra, bảo dưỡng, mức phát thải được kiểm soát về khung cho phép.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 7,4 triệu xe mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe gắn máy), trong đó 67% phương tiện đã sử dụng trên 10 năm vẫn đang tham gia giao thông.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nồng độ khí thải có xu hướng gia tăng theo năm sử dụng; nếu được bảo dưỡng định kỳ, nồng độ khí thải sẽ giảm. Theo tính toán, khi kiểm soát khí thải xe gắn máy, mỗi năm, Thành phố giảm hơn 50.000 tấn khí CO (Cacbon monoxit), 4.400 tấn HC (Hydrocarbon) thải ra môi trường.
Đề án sẽ triển khai theo lộ trình thành các giai đoạn cụ thể: Giai đoạn chuẩn bị (năm 2021); giai đoạn thử nghiệm (2022 – 2023); giai đoạn thực thi một phần (2024-2025) và thực thi toàn phần từ năm 2026 trở đi. Trong đó, Đề án dự kiến đầu tư tổng cộng 166 trạm kiểm định và hệ thống lưu trữ dữ liệu.
Tổng chi phí đầu tư hệ thống, nhân lực kiểm soát khí thải xe gắn máy đến năm 2030 được tính toán khoảng 553 tỷ đồng. Với mức thu 50.000 đồng/xe/năm, Đề án tính toán giúp thu hồi lại ngân sách trong hai năm 2022- 2023. Từ năm 2024 trở đi, thành phố sẽ không phải đầu tư thêm mà sử dụng nguồn thu từ kiểm định xe gắn máy để duy trì kiểm soát khí thải.
Đồng tình về chủ trương xây dựng Đề án, tuy nhiên các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, số lượng thống kê chưa phản ảnh đúng số lượng phương tiện lưu thông thực tế trên địa bàn thành phố, bởi chưa có số liệu về phương tiện đăng ký trên địa bàn thành phố nhưng không còn hoạt động; chưa có thống kê về số lượng phương tiện đăng ký ngoại tỉnh nhưng thường xuyên hoạt động trên địa bàn thành phố.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Xuân Mai (Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, số liệu nghiên cứu được đưa ra ở đề án chưa đủ "tin cậy”. So với tổng lượng xe máy tại thành phố khoảng 10 triệu chiếc, việc đo và lấy mẫu chỉ hơn 10.000 chiếc là quá ít, chưa đủ cơ sở đánh giá tỷ lệ phát thải...
Ngoài ra, các giải pháp tại dự thảo đưa ra chưa phù hợp, bởi hệ lụy từ ô nhiễm khí thải xe máy, chính quyền cùng người dân phải “gánh”, trong khi những nơi sản xuất lại không liên quan.
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, cần ràng buộc trách nhiệm từ nơi cung cấp xe trong kiểm soát việc phát thải của xe. Cần thiết phải có chính sách yêu cầu các đơn vị này bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ, sau đó cấp thẻ cho người mua xe khi tiêu chuẩn khí thải đã đạt. Xe sau đó chạy trên đường nếu kiểm tra không đủ chuẩn thì nơi bán phải có trách nhiệm.
Trong khi đó, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị, Đề án phải đánh giá kỹ hơn tác động tiêu cực do mức độ phát thải từ xe gắn máy gây ra. Đồng thời, đề án cần xác định mục tiêu không chỉ kiểm soát khí thải xe máy mà chung cho bảo vệ môi trường để người dân hiểu họ được hưởng lợi gì khi thực hiện.
Đánh giá tác động của Đề án, ông Đỗ Văn Chung, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Bình Tân cho rằng, chịu tác động nhiều nhất của Đề án là nhóm người người nghèo, thu nhập thấp. Phần lớn họ sử dụng xe máy cũ, không đạt chất lượng và phải đóng phí kiểm định sẽ gây ra những xáo trộn không nhỏ. Ngoài ra, với số lượng xe máy hiện nay, vài trăm cơ sở kiểm định dự kiến xây dựng sẽ khó đáp ứng và khi nhu cầu lớn, tiêu cực cũng dễ phát sinh.
Tiếp thu các ý kiến phản biện của chuyên gia, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho biết, mục tiêu đề án ngoài cải thiện ô nhiễm còn từng bước giảm lượng xe máy giúp hạn chế ùn tắc, tai nạn. Việc này sẽ triển khai song song với các giải pháp phát triển giao thông công cộng đến năm 2030.
Ông Bùi Hòa An cũng thừa nhận, số liệu phục vụ cho nghiên cứu của Đề án là ít, do kinh phí hạn chế. Kinh phí thực hiện xuất phát từ nguồn tài trợ, việc khảo sát số liệu ban đầu chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của các trường đại học, viện nghiên cứu. Do đó, việc khảo sát số lượng phương tiện xe gắn máy của các tỉnh và thành phố trong Đề án chưa đầy đủ. Sở sẽ tiếp thu, bổ sung và chỉnh sửa, bởi đây mới chỉ là những bước đầu của Đề án./.