Đề nghị dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện: Cẩn trọng, đừng tùy tiện
Ông Lê Như Tiến, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội khóa XIII cho rằng, cần hết sức cẩn trọng để cấp phép dạy thêm, học thêm vì đây là giáo dục, không phải là ngành nghề khác ngoài xã hội.
Thảo luận tại Quốc hội sáng 20/11, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Huy nói, nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở các ngành nghề khác có thể bôn ba ngoài giờ làm việc để tăng thu nhập thì nhà giáo dạy thêm là quyền lợi chính đáng. Vì thế, theo đại biểu Nguyễn Văn Huy, nếu dạy thêm xuất phát từ nguyện vọng của người học thì không đáng bị lên án, cần quy định là ngành kinh doanh có điều kiện để tránh biến tướng.
Hết sức cẩn trọng
Trước đề nghị quy định dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện, ông Lê Như Tiến, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội khóa XIII cho rằng, cần hết sức cẩn trọng để cấp phép dạy thêm, học thêm vì đây là giáo dục, không phải là ngành nghề khác ngoài xã hội.
Ông Lê Như Tiến chia sẻ, ông đã đi một số nước và không có hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan như ở nước ta. Ở các nước này họ không có hiện tượng học thêm mà họ chỉ có tiết giảng dạy chất lượng trên những giờ trên lớp. Nếu có chăng nữa thì có lớp bồi dưỡng trước cuộc thi khu vực và quốc tế. “Họ có bồi dưỡng trung tâm trước cuộc thi chứ không dạy thêm tràn lan như nước ta”- ông Tiến nói.
Ở góc độ nhà quản lý, phải cải tiến tiền lương để thầy cô đủ để sinh sống, nuôi gia đình con cái chứ không chỉ trông vào tiền dạy thêm, học thêm. Nhà giáo phải sống được bằng chính bằng nghề của mình thì ngăn chặn về dạy thêm học thêm, chân ngoài dài hơn chân trong", ông Lê Như Tiến nói.
Ông Tiến đã từng phản đối việc dạy thêm, học thêm. Ông cho rằng, giáo viên cần tạo ra những giờ dạy trên lớp thật tốt.
“Có thực tế thầy cô chỉ dạy vừa vừa thôi còn để lại những kiến thức tủ, kiến thức “đinh”, kiến thức “chốt” để dạy thêm, học thêm. Em nào không đi học thêm thì lại hổng kiến thức đó. Chúng ta không khuyến khích việc đó. Chúng ta khuyến khích việc dạy những giờ trên lớp nghiêm chỉnh và dạy chất lượng cao để không có tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Đã dạy thêm, học sinh và thầy cô mất rất nhiều thời gian và phụ huynh phải bỏ nhiều chi phí không hề nhỏ vào đó”- ông Tiến nêu quan điểm.
Tuy nhiên, xã hội phát triển thì phải có ngành nghề tương thích với nhu cầu của xã hội. Vì vậy, trước khi có thể đồng ý thì Quốc hội, nhà nước cần nghiên cứu rất kĩ về dạy thêm, học thêm có là ngành nghề kinh doanh có điều kiện được không. Ở cấp độ trường nào, cơ sở giáo dục đào tạo nào thì mới có thể thực hiện việc dạy thêm, học thêm?
“Cái này rất cần có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, cơ quan quản lý về kinh doanh có điều kiện. Phải có sự kết hợp liên ngành giữa cơ quan đào tạo và quản lý thị trường, của ngành công an và các ngành khác”- Ông Tiến nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo ông Tiến, nếu dạy thêm là ngành kinh doanh có điều kiện thì phải làm sao có sự tự nguyện đúng nghĩa, các em tự nguyện muốn bồi dưỡng thêm kiến thức, không phải sức ép cho nhà trường.
*PGS.TS Trần Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, bản chất của việc dạy thêm, học thêm không xấu, phụ huynh, giáo viên có nhu cầu bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng sống... Song giáo dục là lĩnh vực đặc biệt, cần có những quy định rất rõ ràng như giáo viên được dạy những nội dung gì, điều kiện giảng dạy ra sao, học phí... Những cơ sở, lớp học đáp ứng đủ các điều kiện mới được cấp phép giảng dạy.
*TS. Nguyễn Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, muốn hạn chế được tình trạng dạy thêm, học thêm đầu tiên phụ huynh phải thay đổi nhận thức, không gây quá nhiều áp lực học tập lên con cái. Thứ hai là chương trình giáo dục phổ thông mới phải thật sự giảm tải, giảm áp lực thi cử, thành tích vì nếu kiến thức vẫn nặng nề, phụ huynh sẽ buộc phải cho con đi học thêm.