Đề nghị đổi mới cách thức lấy ý kiến góp ý xây dựng luật
Quốc hội vừa thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc lấy ý kiến góp ý trong quá trình xây dựng Dự án luật.
Đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) băn khoăn khi báo cáo đánh giá kết quả thực thi luật thời gian qua nhận định cơ chế huy động trí tuệ của nhân dân, xã hội vào công tác xây dựng pháp luật chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn.
Từ phía cơ quan nhà nước, nhiều cơ quan chưa coi trọng đúng mức việc lấy ý kiến, việc tiếp thu, giải trình, phản hồi đầy đủ ý kiến của nhân dân, đối tượng chịu tác động trực tiếp văn bản. Thực tiễn phản ánh cách thức lấy ý kiến, phương pháp lấy ý kiến, thời gian gửi hồ sơ, lấy ý kiến, nội dung hồ sơ, tài liệu gửi lấy ý kiến, đối tượng lấy ý kiến thời gian qua còn nảy sinh nhiều vấn đề, cần phải quan tâm.
“Tôi kiến nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung, xác định chặt chẽ trách nhiệm của cơ quan chủ trì lấy ý kiến và cơ quan tổ chức tham gia góp ý về đề nghị xây dựng VBQPPL dự án dự thảo VBQPPL. Hoàn thiện cơ chế giám sát việc tổ chức lấy ý kiến, tham gia góp ý kiến và trách nhiệm giải trình phản hồi của cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan trong quy trình này”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thực tiễn là khi tham gia vào một dự án luật nào đó thì tổ chức rất nhiều các cuộc hội thảo, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến của nhân dân qua nhiều cách thức. Nhưng tiếp thu như thế nào, ý kiến nào được tiếp thu, ý kiến nào không được tiếp thu?
“Việc này không được phân minh cho nên lãng phí nguồn lực, trí tuệ của nhân dân rất lớn và của cả đại biểu Quốc hội nữa”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cũng cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến trong xây dựng VBQPPL còn một số hạn chế như khi đăng trên cổng thông tin điện tử thì số lượng truy cập vào xem rất thấp và không có ý kiến góp ý, hoặc lấy ý kiến trực tiếp thì quy mô rất nhỏ, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan thì việc phản hồi vừa chậm và vừa có tính hình thức.
Đặc biệt, do chưa có những tiêu chí cụ thể để xác định những dự luật nào sẽ lấy ý kiến nhân dân, những trường hợp bổ sung việc lấy ý kiến nhân dân trong quy trình xây dựng luật thì cũng chưa được quy định cụ thể. Cho nên dẫn tới lúng túng nếu yêu cầu bổ sung.
“Ví dụ như trong trường hợp Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa rồi lần thứ 2 cho ý kiến thì yêu cầu lấy ý kiến nhân dân, thời gian rất gấp nên chất lượng lấy ý kiến nhân dân cũng chưa thỏa mãn. Điều này đang trực tiếp làm ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng luật, cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của những đối tượng do luật tác động.
Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh quy định về việc lấy ý kiến theo các tiêu chí sát với thực tiễn và bằng những biện pháp phù hợp. Đề nghị nghiên cứu quy định hình thức, quy mô tổ chức lấy ý kiến, đối tượng, mức độ, đặc biệt là các hình thức này phải quy định như thế nào đối với từng loại văn bản”, đại biểu nói.
Đại biểu Mai Hồng Hải (TP Hải Phòng) cũng đề nghị quy định đổi mới và làm sâu sắc hơn việc lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động và ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học. Đồng thời, cung cấp hồ sơ dự án luật ngay từ khi khởi thảo và cập nhật trên hệ thống thông tin điện tử của Quốc hội hoặc trang điện tử dự thảo online của Quốc hội để đại biểu Quốc hội quan tâm được tham vấn chấp thuận sớm.