Đề nghị dừng thực hiện 6 dự án

UBND tỉnh cũng đề xuất không bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 của 12 dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2018 về trước.

>>> Khai mạc Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XVI

Đồng chí Nguyễn Đình Kiêm, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đọc Tờ trình về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 5 năm 2016-2020 và dự kiến phương án kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 của tỉnh

Trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đề nghị dừng thực hiện 6 dự án đầu tư dở dang, chưa thực sự cấp bách do không cân đối, bố trí được vốn ngân sách địa phương, gồm: Nhà lớp học 12 phòng của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp dạy nghề huyện Thanh Hà (giai đoạn 1); Đầu tư xây dựng và mua sắm trang bị y tế cơ bản cho Khoa Ung bướu - Y học hạt nhân thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Nâng cấp các tuyến đê tả Thái Bình, huyện Thanh Hà; Chống sạt lở, tăng cường khả năng chống lũ cho hệ thống đê huyện Kim Thành; Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư vùng sạt lở xã Hiệp Cát, huyện Nam Sách; Đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đoạn từ quốc lộ 37 vào di tích Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh.

Nội dung trên được nêu trong Tờ trình về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 5 năm 2016-2020 và dự kiến phương án kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách địa phương 5 năm 2021-2025 của tỉnh do đồng chí Nguyễn Đình Kiêm, Ủy viên UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày tại Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XVI.

Cũng theo tờ trình, UBND tỉnh đề nghị không bố trí vốn đầu tư công 5 năm 2021-2025 của 12 dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2018 về trước, gồm: Cải tạo tầng 1, 2 và nâng tầng 3 nhà hiệu bộ Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Du lịch; Xây dựng bệnh viện mới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Khoa Khám bệnh đa khoa và thăm dò chức năng cận lâm sàng của Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Hải Dương; Xây dựng nhà khám bệnh và cận lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa huyện Bình Giang; Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Nam Chính (Nam Sách); Nhà bia nơi thành lập Tỉnh ủy lâm thời tại xã Hợp Tiến (Nam Sách); Tu bổ tôn tạo khu dích Đình Đầu, xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách; Đường tránh thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành (hạng mục: cầu An Thành); Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cuối kỳ (2016-2020) tỉnh Hải Dương; trụ sở làm việc của Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở Tài chính cũ); Cải tạo, nâng cấp và mở rộng nhà làm việc 5 tầng của Công an tỉnh; Điều tra, đánh giá thoái hóa đất tỉnh Hải Dương.

Việc không bố trí vốn, dừng thực hiện các dự án là do Kế hoạch vốn ngân sách tỉnh 5 năm 2021-2025 rất hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư quá lớn (mới đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu), còn nhiều dự án cần thiết phải đầu tư nhưng chưa có khả năng cân đối vốn…

Theo tờ trình, tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020 của tỉnh là 22.255,2 tỷ đồng, tăng 10.551,8 tỷ đồng so với kế hoạch vốn giao đầu kỳ, bao gồm 22.020,8 tỷ đồng vốn trong nước (tăng 10.446,7 tỷ đồng), 234,4 tỷ đồng vốn nước ngoài (ODA) (tăng 105,2 tỷ đồng).

Tổng vốn đã giao hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 21.700,2 tỷ đồng, bằng 97,5% kế hoạch vốn 5 năm. Vốn 5 năm giải ngân 21.290 tỷ đồng (vốn năm 2020 ước giải ngân 100%), đạt tỷ lệ 98,1%, trong đó vốn trong nước giải ngân 21.245,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 98,1% và vốn ODA giải ngân 44 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 89,9%.

Kế hoạch đầu tư công 5 năm 2016-2020 được các cấp phân bổ cụ thể cho các dự án và triển khai kịp thời ngay từ đầu năm kế hoạch. Vốn phân bổ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, trong đó đã tập trung bố trí vốn thanh toán khối lượng hoàn thành và đầu tư các công trình chuyển tiếp. Đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình, đặc biệt các dự án trọng điểm, dự án lớn, kết nối liên tỉnh...

Về định hướng đầu tư công 5 năm 2021-2025, UBND tỉnh đề xuất phải phù hợp với các định hướng, mục tiêu phát triển theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, định hướng cơ cấu lại đầu tư công đến năm 2025...

Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu đầu tư 5 năm 2021-2025, nhu cầu vốn ngân sách địa phương (NSĐP) nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025 đầu tư cho 234 chương trình, dự án khoảng 26.445 tỷ đồng. Với dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2020 trở về trước, nhu cầu vốn thanh toán khối lượng hoàn thành cho 39 dự án là 285,4 tỷ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư hoàn thành 33 dự án chuyển tiếp là 3.310,7 tỷ đồng. Nhu cầu vốn đầu tư khởi công mới 162 dự án là 22.849 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn bố trí cho các công trình trọng điểm và các dự án thuộc các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 1.600 tỷ đồng.

PV

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/de-nghi-dung-thuc-hien-6-du-an-154898