Đề nghị kiểm điểm công chức Bộ Khoa học và Công nghệ về vụ việc Thuận Phong

Đánh giá trong vụ Công ty Thuận Phong, sự chậm trễ của một số cán bộ công chức Bộ Khoa học và Công nghệ trong giám định bổ sung là 'vô trách nhiệm', đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng vụ việc không phức tạp song lại bị 'ngâm tôm'.

Nêu nhận định như trên trong chất vấn quanh vụ Công ty Thuận Phong tại phiên chất vấn sáng 10/11/2020 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề xuất, cần xử lý kiểm điểm, kỷ luật, kể cả người đứng đầu. “Liệu nhiệm kỳ này của Quốc hội có xử lý được không hay phải đợi sang nhiệm kỳ tới của Quốc hội”- đại biểu Cương đặt câu hỏi.

Trước đó khi trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương liên quan đến vụ sản xuất phân bón của Công ty Thuận Phong, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết trách nhiệm chính trong việc này thuộc về các cơ quan tư pháp.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu ý kiến chất vấn

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nêu ý kiến chất vấn

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, ông đã có nhiều cuộc họp với các cơ quan liên quan và đã chỉ đạo việc thực hiện đánh giá kết quả sản xuất của Công ty Thuận Phong có phải hàng giả hay không.

“Đây là quá trình xem xét về hành chính chứ chưa chuyển sang hình sự, vì cần thiết có giám định nên Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành có ý kiến đánh giá, nếu có dấu hiệu thì chuyển sang cơ quan điều tra” - Phó Thủ tướng nói.

Với trách nhiệm của mình, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành đánh giá, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điểu tra. Sau đó, đã chuyển cơ quan điều tra để thực hiện theo quy định của pháp luật, trong đó có việc yêu cầu giám định. Ngày 20/11/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành văn bản 3721 kèm theo kết quả giám định, ngày 3/4/2020, theo yêu cầu của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai, cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ giám định bổ sung, sau đó Bộ đã ban hành văn bản 3310 kèm theo kết quả giám định bổ sung.

Tranh luận lại với Phó Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, biên bản giám định của các bộ chức năng trong vụ Thuận Phong, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ diễn giải khái niệm “chất chính” theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa bằng nhiều khái niệm khác nhau, song tựu trung đều liên quan đến “chất chính”.

Lộc - Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/de-nghi-kiem-diem-cong-chuc-bo-khoa-hoc-va-cong-nghe-ve-vu-viec-thuan-phong-147210.html