Đề nghị miễn thuế cư trú và thuế thu nhập cho thực tập sinh tại Nhật Bản
Việc đánh hai lần thuế khiến thu nhập còn lại của thực tập sinh Việt Nam tại Nhật rất thấp, nhất là khi hệ quả của Covid-19 vẫn còn, do vậy Bộ LĐTB&XH Việt Nam đề nghị phía Nhật xem xét miễn giảm các loại thuế này.
Đây là nội dung của cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung và Trợ lý Thủ tướng Nhật Bản Nakatani Gen ngày 20/9 về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, trong đó có chương trình thực tập sinh kỹ năng.
Hiện nay số thực tập sinh Việt Nam đã lên tới 370.000 người trong tổng số gần 500.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật Bản. Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ và đề xuất thêm một số vấn đề liên quan đến chế độ tiền lương, trợ cấp đối với người lao động, thực tập sinh Việt Nam trong bối cảnh đồng Yên đang giảm giá, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.
Trong thời gian qua, thực tập sinh Việt Nam đã phải chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Hiện nay, các lao động lại bị giảm bình quân 30% thu nhập do tác động của tỷ giá đồng Yên, cuộc sống càng vất vả hơn.
Do đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất phía Nhật Bản điều chỉnh chính sách tiếp nhận, tăng lương tối thiểu, cho thực tập sinh Việt Nam được hưởng các quy chế bình đẳng như áp dụng với một số quốc gia khác.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị phía Nhật Bản miễn thuế cư trú và thuế thu nhập đối với thực tập sinh Việt Nam, đồng thời triển khai thực hiện việc tuyển chọn lao động kỹ năng đặc biệt theo quy định tại thỏa thuận đã ký kết giữa hai nước.
"Hiện nay, du học sinh, người lao động Việt Nam đang bị đánh 2 loại thuế, thuế cư trú và thuế thu nhập, trong khi Nhật Bản không áp dụng 2 loại thuế này với lao động của nhiều quốc gia khác. Việc đánh 2 lần thuế khiến thu nhập còn lại của thực tập sinh rất thấp, khó đảm bảo được việc thu hút người lao động Việt Nam tham gia các chương trình của Nhật Bản”, Bộ trưởng Dung nhấn mạnh.
Ngoài ra, phía Bộ LĐTB&XH Việt Nam cũng đề nghị Nhật Bản xem xét tiếp tục cải tiến các chương trình tiếp nhận thực tập sinh, chương trình lao động kỹ năng đặc định, đặc biệt là đánh giá lại chương trình tiếp nhận điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi… tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, nghiệp đoàn hai bên trong phối hợp thực hiện.
"Tôi mong muốn Nhật Bản xem xét mở rộng các ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh người Việt Nam trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, nghề lái xe… Đây là những ngành, nghề người lao động Việt Nam có nhiều thế mạnh, nhanh thích ứng, nâng cao được kỹ năng nếu đã qua đào tạo cơ bản", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Trong thời gian qua, Bộ LĐTB&XH Việt Nam đã trình Chính phủ và Quốc hội sửa đổi nhiều nội dung liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm các quy định chính sách, nhất là vi phạm về vấn đề thu phí với người lao động.
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung mong muốn Nhật Bản tăng cường đổi mới các chính sách, tiếp nhận một cách công bằng, quan tâm thực chất đến quyền lợi người lao động vì mục tiêu hài hòa lợi ích của 2 quốc gia trong thời gian tới.
Sau khi lắng nghe những đề nghị của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Nakatani Gen ghi nhận các ý kiến và khẳng định sẽ nêu vấn đề tại cuộc làm việc với các cơ quan chức năng chuyên trách của Nhật Bản vào tháng 12 hằng năm.
"Chúng tôi sẽ thảo luận cụ thể về những đề nghị mà ngài Bộ trưởng đã nêu, từ đó có những chính sách phù hợp, bảo đảm lợi ích người lao động không chỉ của Việt Nam mà sao để lao động của các nước được bình đẳng nhất", ông Nakatani Gen nói.
Trợ lý thủ tướng Nhật Bản cũng đánh giá cao Việt Nam về việc cử điều dưỡng, hộ lý sang Nhật Bản làm việc. Về các chế độ đãi ngộ, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã và đang xem xét tạo điều kiện cho điều dưỡng, hộ lý Việt Nam có môi trường làm việc tốt hơn, tăng sức hút với lao động các nước trong ngành nghề này sang Nhật Bản làm việc.