Đề nghị nâng Pháp lệnh quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, nhân viên quốc phòng lên thành luật
Sáng 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về dự án Pháp lệnh quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) và công nhân, nhân viên quốc phòng.
Tờ trình của Chính phủ nêu: Đối với QNCN, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) được QH khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ chín không còn quy định về QNCN do chế độ phục vụ là tự nguyện. Từ ngày 1-1-2016, Luật có hiệu lực thi hành, các văn bản quy phạm pháp luật quy định về QNCN ban hành trước đó không còn hiệu lực. Các văn bản pháp luật hiện hành quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, độ tuổi phục vụ, chế độ chính sách… đối với QNCN còn nhiều bất cập, dẫn tới bố trí, tuyển dụng, sử dụng thiếu thống nhất, hiệu quả chưa cao, không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quân đội. Đối với công nhân, nhân viên quốc phòng, việc điều chỉnh chế độ phục vụ, chính sách, chủ yếu thực hiện theo các nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số luật như: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật viên chức… thiếu tính đồng bộ, chưa phản ánh đúng vị trí, chức năng của lực lượng này; chưa thể chế hóa đầy đủ chính sách của Đảng, Nhà nước đối với ngành lao động đặc biệt. Chế độ, chính sách đối với hai đối tượng này còn chênh lệch nhiều so với QNCN. Việc ban hành Pháp lệnh là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đầy đủ, góp phần xây dựng QĐND Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” trong giai đoạn mới.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung bàn về tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm sự phù hợp giữa Pháp lệnh với Hiến pháp. Cụ thể, tại Điều 16 quy định về cấp bậc quân hàm của QNCN, Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, nội dung này thuộc thẩm quyền của QH quy định hàm cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân tại khoản 12 Điều 70 của Hiến pháp. Tuy nhiên, việc quy định quân hàm của QNCN được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, mức lương nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ huy trong tổ chức QĐND Việt Nam đã được quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành. Cấp bậc quân hàm của QNCN được quy định trong dự thảo Pháp lệnh là kế thừa quy định của pháp luật hiện hành, không bổ sung mới, phù hợp với hệ thống quân hàm trong quân đội. Do đó, Ủy ban Quốc phòng- an ninh đề nghị Ủy ban TVQH quy định tại Pháp lệnh này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế về tổ chức quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đối với QNCN.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị nâng dự án Pháp lệnh thành luật và xin bổ sung vào chương trình Kỳ họp QH tháng 10 tới nhằm nâng cao giá trị pháp lý, phù hợp với khoản 12, Điều 70 của Hiến pháp năm 2013. Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị Ban soạn thảo cần khẩn trương tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện, nâng Pháp lệnh lên thành luật, trình QH xem xét.
Buổi chiều, Ủy ban TVQH cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của hai dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) và Luật Tố tụng hành chính.
Về dự án Bộ luật TTHS, các đại biểu tập trung thảo luận về hai nguyên tắc:“Suy đoán vô tội” và “Bảo đảm tranh tụng trong xét xử”. Đa số ý kiến cho rằng hai nội dung trong dự thảo còn chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp. Đại biểu Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, đại biểu Lê Thị Thu Ba, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp T.Ư cho rằng, trên thực tế, các cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị can, bị cáo thường chỉ thu thập các chứng cớ chứng minh bị can, bị cáo có tội mà không coi trọng những tình tiết mang tính chất gỡ tội hoặc vô tội cho bị can, bị cáo, cũng như chưa có tư duy theo nguyên tắc “Suy đoán vô tội”. Thậm chí, có trường hợp “lỡ” bắt rồi phải xử cho có tội. Do vậy, các đại biểu đề nghị dự thảo Bộ luật cần quy định rõ nguyên tắc “Suy đoán vô tội” nhằm bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, góp phần bảo vệ quyền con người đã được quy định đầy đủ trong Hiến pháp năm 2013.
Về việc bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, đa số các ý kiến đại biểu tán thành hoạt động ghi hình hỏi cung bị can, đồng thời đề nghị có quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, về bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm, ghi hình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nhằm bảo đảm minh bạch quá trình hỏi cung, bảo vệ bị can, chống bức cung, dùng nhục hình, bảo vệ người hỏi cung tránh bị vu cáo. Trong trường hợp không thể ghi âm, ghi hình do điều kiện không cho phép, trong quá trình hỏi cung cần sự có mặt của luật sư, kiểm sát viên nhằm bảo đảm khách quan. Đại biểu Nguyễn Sơn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, việc ghi âm, ghi hình là cần thiết, tuy nhiên việc nghe lại toàn bộ băng quá trình hỏi cung là không cần thiết, mất nhiều thời gian. Chỉ nghe lại băng trong trường hợp bị cáo khai bị ép cung, hoặc chối tội tại phiên tòa xét xử.