Đề nghị phạt 2 cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV 6 - 7 năm tù

Ngày 28-10, phần luận tội của đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho thấy, trong vụ án gây thất thoát tiền tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và các đơn vị liên quan, ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV giữ vai trò chính, xuyên suốt quá trình ra chủ trương đến quyết định cho vay, cũng như chỉ đạo cấp dưới cho vay trái quy định dẫn đến hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.

Quang cảnh phòng xét xử sáng nay 28-10-2020

Quang cảnh phòng xét xử sáng nay 28-10-2020

8 bị cáo phải chịu trách nhiệm về số tiền thất thoát

Trong vụ án này, cơ quan thực hành quyền công tố giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng trước đó. 8 bị cáo thuộc BIDV bị truy tố về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”, đồng thời đề nghị mức án với nhóm bị cáo này, gồm: 2 cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Lục Lang và Đoàn Ánh Sáng cùng bị đề nghị mức phạt 6-7 năm tù; cựu Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh Kiều Đình Hòa 4-5 năm tù; cựu Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành Ngô Duy Chính 7-8 năm tù; bị cáo Lê Thị Vân Anh, cựu Trưởng phòng BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh 3-4 năm tù; Nguyễn Xuân Giáp, cựu Phó Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Thành 5-6 năm tù; Phạm Hồng Quang, cựu Trưởng phòng BIDV Chi nhánh Hà Thành 4-5 năm tù; Đặng Thanh Nam, cựu cán bộ BIDV Chi nhánh Hà Thành 3-4 năm tù.

Các bị cáo bị truy tố về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” bị đề nghị mức án phạt, gồm: Trần Anh Quang, cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) 13-14 năm tù; Đinh Văn Dũng, cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà 12-13 năm tù; Đoàn Hồng Dũng, cựu Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng) 18-19 năm tù; Nguyễn Thị Thanh Sơn, cựu thành viên góp vốn Công ty Trung Dũng 5-6 năm tù.

Cơ quan giữ quyền công tố cũng cho hay, các khoản vay của Công ty Bình Hà do ông Trần Bắc Hà giữ vai trò chính, xuyên suốt trong việc ra chủ trương đến các quyết định cho vay, chỉ đạo cấp dưới tại hội sở và Chi nhánh Hà Tĩnh cho vay trái quy định của BIDV nói riêng và Ngân hàng Nhà nước nói chung, dẫn đến hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn cho BIDV với số tiền hơn 799 tỷ đồng.

Tại khoản vay của Công ty Trung Dũng, cơ quan công tố xác định, doanh nghiệp này khó khăn, không đủ tài sản đảm bảo nhưng theo chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các bị cáo thuộc BIDV Chi nhánh Hà Thành vẫn đề xuất cho doanh nghiệp này vay tiền; đồng thời không kiểm soát tiền cho vay và hàng hóa dẫn đến BIDV không thể thu hồi được khoản nợ hơn 864 tỷ đồng. Hành vi của các bị cáo Lang, Sáng, Hòa, Vân Anh, Chính, Giáp, Quang, Nam đã xâm phạm trực tiếp tới trật tự quản lý kinh tế nói chung, xâm phạm tới hoạt động đúng đắn của ngân hàng nói riêng. Hành vi của các bị cáo còn lại đã xâm phạm trực tiếp tới quyền sở hữu hợp pháp tài sản của nhà nước được pháp luật bảo vệ, ảnh hưởng tới trật tự xã hội, tạo dư luận xấu trong quần chúng nhân dân, với số tiền thất thoát đặc biệt lớn.

Kiến nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt

Các luật sư tham gia bào chữa sau đó đã làm rõ về nguyên nhân hành vi, hậu quả gây ra cho BIDV. Luật sư Trần Minh Hải, bào chữa cho bị cáo Trần Lục Lang cho rằng, những hành vi, sai phạm của thân chủ ông mang yếu tố khách quan. Mặc dù Công ty Bình Hà không đáp ứng được điều kiện để được vay vốn, nhưng nếu chỉ ở khoản vay thông thường đó là sai phạm, trong trường hợp này BIDV đã có nghị quyết “ngoại lệ” để áp dụng. Công ty Bình Hà thuộc diện ngoại lệ, và luật sư Hải mong hội đồng xét xử xem xét lại yếu tố này. Luật sư Trần Minh Hải cũng cho biết, qua phần thẩm vấn công khai, ông Lang đã thành khẩn nhận tội. Các văn bản ông Lang ký chỉ mang tính chất thông báo, còn quyết định cho vay thuộc thẩm quyền của Chủ tịch HĐQT. “Vai trò của ông Trần Lục Lang trong vụ án là mờ nhạt”, luật sư Hải đề xuất hội đồng xét xử áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự (hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt).

Cùng bào chữa cho bị cáo Lang, luật sư Bùi Thị Hồng Giang sau đó đã nêu thêm nhiều nội dung về thành tích mà thân chủ đóng góp cho ngành ngân hàng và đã tích cực hợp tác với cơ quan điều tra; đồng thời đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt, không buộc bị cáo Lang phải cách ly khỏi xã hội.

Trong khi đó, luật sư Hoàng Văn Dũng, bào chữa cho bị cáo Đoàn Ánh Sáng ghi nhận cơ quan tố tụng trong bản luận tội trước đó đã áp dụng nhiều tình tiết để giảm nhẹ cho thân chủ của mình. Tuy nhiên, luật sư cho rằng, mức án đề nghị của viện kiểm sát vẫn rất cao. Hành vi của bị cáo Sáng đã rõ và bản thân bị cáo đã thừa nhận mình ký 5 văn bản trong quá trình đề xuất BIDV giải ngân cho Công ty Bình Hà vay. Luật sư Dũng cũng khẳng định, ông Sáng chỉ thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn, chức năng được phân công. Còn khoản vay của Công ty Bình Hà có được duyệt hay không là quyết định của HĐQT, do đó cần xem xét thêm ở hoàn cảnh, điều kiện phạm tội, bởi bị cáo còn bị gây sức ép từ HĐQT. Bị cáo không được hoàn toàn tự do về mặt ý chí để thực hiện. “Nên chăng cần áp dụng chính sách hình sự đặc biệt, miễn hình phạt trong trường hợp này”, luật sư Dũng kiến nghị.

Tự bào chữa trước đó, các bị cáo Trần Lục Lang và Đoàn Ánh Sáng đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo buộc, đồng thời mong hội đồng xét xử xem xét lại bối cảnh và hành vi phạm tội, bởi cả hai đều đã thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra.

Hôm nay, 29-10, phiên tòa tiếp tục làm việc.

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/de-nghi-phat-2-cuu-pho-tong-giam-doc-bidv-6-7-nam-tu-694406.html