Đề nghị Quốc hội lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước

Chiều 21-10, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để triển khai thi hành Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Chính phủ được giao xây dựng, ban hành Nghị định hướng dẫn phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Theo đó, ngày 28-11-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có hiệu lực từ ngày 20-1-2014, chậm hai năm sáu tháng kể từ ngày Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành.Ngày 17-7-2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2017/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, có hiệu lực từ ngày 1-9-2017, chậm bốn năm tám tháng kể từ ngày Luật tài nguyên nước có hiệu lực thi hành.

Bộ trưởng giải thích, việc ban hành chậm các Nghị định nêu trên là do Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã không lường trước được hết những khó khăn, phức tạp, nhất là các vấn đề liên quan đến kinh tế, các thông số kỹ thuật phức tạp.

Cụ thể, đối với tài nguyên khoáng sản, các thông số tính tiền là trữ lượng và chất lượng của từng mỏ, từng loại khoáng sản. Tại thời điểm xây dựng Nghị định, có hơn 400 Giấy phép khai thác khoáng sản (thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường) và gần 4.000 Giấy phép khai thác khoáng sản (thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) phải tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cấp phép qua nhiều thời kỳ (có mỏ cấp phép từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20) theo nhiều cơ chế, quy định quản lý khác nhau.

Đối với tài nguyên nước, Luật quy định chỉ tính tiền đối với một số hoạt động khai thác tài nguyên nước có lợi thế như: thủy điện, khai thác nước để cấp cho một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ... nhưng không tính tiền đối với nước tưới cho nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt của nhân dân. Các thông số tính tiền là chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác, mục đích sử dụng nước của từng công trình khai thác. Việc xác định mức thu để xây dựng Nghị định cũng gặp nhiều khó khăn vì tính đa dạng của mục đích khai thác nước trong một công trình (khuyến khích hay không khuyến khích gắn với thu tiền hay không thu tiền), trong khi đó lại gắn với từng nguồn nước khác nhau (nước mặt, nước dưới đất), tính biến động chất lượng của nguồn nước, điều kiện khai thác thuận lợi hay khó khăn của từng công trình.

Theo Bộ trưởng, cần phải có nhiều thời gian để hoàn thiện phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước do tính phức tạp, đa dạng của các đối tượng tính tiền nêu trên; đồng thời phải tính toán kỹ lưỡng các phương án để lựa chọn phương án có tính khả thi khi lần đầu tiên thực hiện chính sách,nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan khi triển khai chính sách thu thêm một khoản tiền ngoài các khoản thu đã được quy định trước đây để tạo sự đồng thuận cao.

Chính phủ nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc chậm ban hành Nghị định

Về nguyên nhân chủ quan, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, trong bối cảnh thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008, tình trạng nợ đọng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật là khá phổ biến với số lượng lớn, Chính phủ phải tập trung xử lý nên chưa quan tâm đúng mức để đôn đốc, chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết các Luật nêu trên. Mặt khác, khi gặp khó khăn, vướng mắc, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa chủ động, chưa kịp thời báo cáo, đề xuất để tháo gỡ.

Bên cạnh đó,việc nhận thức về thẩm quyền quyết định thời hạn áp dụng việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chưa đầy đủ, nên Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định chưa kịp thời trình Quốc hội để xem xét, quyết định thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

“Về vấn đề này, Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII (Báo cáo số 388/BC-CP, ngày 10-10-2014). Chính phủ xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội về việc chậm ban hành Nghị định số 203 và Nghị định số 82 nêu trên. Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thẩm định là Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, đã làm rõ trách nhiệm của cơ quan được giao chủ trì xây dựng, của từng cá nhân liên quan và đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Trần Hồng Hà trình bày nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đồng ý với Chính phủ về việc lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành hai Nghị định nêu trên theo quy định tại Điều 7 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5 và 6-2020).

“Việc chậm ban hành hai Nghị định nêu trên cũng đã làm cho các tổ chức, cá nhân được cấp quyền khai thác khoáng sản và tài nguyên nước không tính được số tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước và sẽ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 5.000 tỷ đồng nếu Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước. Đây là số tiền không nhỏ trong điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói.

NHÓM PHÓNG VIÊN. Ảnh: CHƯƠNG LINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/41976502-de-nghi-quoc-hoi-lui-thoi-gian-thu-tien-cap-quyen-khai-thac-khoang-san-va-tai-nguyen-nuoc.html