ĐỀ NGHỊ QUY ĐỊNH RÕ RÀNG TRÁCH NHIỆM, XỬ LÝ NGHIÊM KHẮC HƠN ĐỐI VỚI VIỆC TRỐN ĐÓNG, CHẬM ĐÓNG BHXH
Để bảo vệ quyền lợi tốt hơn cho người dân, đóng góp vào một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều ĐBQH đề nghị, cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm, chế xử lý nghiêm khắc hơn đối với việc trốn đóng, chậm đóng BHXH cho người lao động...
Thời gian qua, việc nhiều doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đã không chỉ ảnh hưởng tới trực tiếp uy tín của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới việc đảm bảo an sinh xã hội, quyền lợi của người lao động. Chính vì vậy, tại phiên họp toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) diễn ra ngày 27/5, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài xử phạt, xử lý nghiêm khắc việc doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Có thể giao ngành Bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm trong kiểm tra, xử phạt việc trốn đóng bảo hiểm xã hội
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng, việc trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội đã ảnh hưởng lớn đến quyền lợi cho người lao động. Vì thế, đề nghị Chính phủ nên có quy định riêng về trách nhiệm tổ chức kiểm tra đối với những doanh nghiệp bảo hiểm, có thể Chính phủ giao hẳn cho ngành Bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm kiểm tra, xử phạt hoặc đề nghị, kiến nghị ra Tòa theo Luật Hình sự. Ngoài ra, Chính phủ nên yêu cầu doanh nghiệp đưa ra chỉ tiêu, có quỹ dự phòng của doanh nghiệp hoặc quỹ hoạt động của doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm mà doanh nghiệp đưa vào hoạt động để đảm bảo quyền lợi đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động cho người lao động.
Đề cập về vai trò của tổ chức công đoàn trong việc xử lý, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu Trần Kim Yến – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh: Điểm c khoản 1 Điều 13 của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện ra tòa đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội. Trên tinh thần của điều luật thì có thể hiểu rằng, người bị kiện là những tổ chức, cá nhân vi phạm về pháp luật bảo hiểm xã hội. Vấn đề đặt ra là người bị kiện chỉ là người sử dụng lao động thực hiện không đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, có thể đối tượng bị kiện nữa là cơ quan bảo hiểm xã hội hay không? Bởi vì, khi tổ chức công đoàn có căn cứ cho rằng cơ quan bảo hiểm xã hội chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ của mình trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát dẫn đến người lao động bị ảnh hưởng đến quyền lợi, như khi người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng trong thời gian dài mà cơ quan bảo hiểm xã hội không có chế tài thích hợp thì tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện cơ quan bảo hiểm xã hội hay không?
Mặt khác, tại Điều 16 quy định về quyền hạn của cơ quan bảo hiểm xã hội. Đại biểu Trần Kim Yến cho rằng, về bản chất thì chủ nợ của bảo hiểm xã hội chính là cơ quan bảo hiểm xã hội. Cho nên, khi người sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội thì chủ nợ có quyền khởi kiện, do đó nên bổ sung vào Điều 16 về quyền khởi kiện của cơ quan bảo hiểm xã hội. Bởi trên thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, khi tổ chức công đoàn thực hiện nhiệm vụ khởi kiện người sử dụng lao động vi phạm về pháp luật bảo hiểm xã hội thì thu thập chứng cứ, tiếp cận tài liệu, dữ liệu liên quan đến bảo hiểm xã hội rất khó khăn.
Biện pháp xử lý vi phạm về chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp được quy định tại Điều 37, 38, 39, 40 và đặc biệt tại Điều 41 về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động.
Tuy nhiên, có sự chưa tương thích giữa Luật Bảo hiểm y tế và dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3 Điều 49 của Luật Bảo hiểm y tế về xử lý vi phạm, đó là cơ quan tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý. Khi chủ sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm y tế sau 30 ngày thì thẻ bảo hiểm y tế của người lao động tạm thời không có giá trị sử dụng. Điều này có thể hiểu vi phạm của người sử dụng lao động ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.
Mặc dù thực tế tùy từng trường hợp thẻ bảo hiểm y tế của người lao động sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội can thiệp, tạo điều kiện để họ có quyền lợi trong khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định rõ trách nhiệm từ các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm và trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và xử lý hoặc chế tài đối với doanh nghiệp đã vi phạm.
Hành vi trốn đóng cần được đồng bộ hóa với pháp luật hình sự
Cho ý kiến về biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điều 39, Điều 40, đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ nêu quan điểm: Dự thảo Luật thiết kế 2 điều quy định về biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, cụ thể Điều 39 quy định xử lý vi phạm về chậm đóng, Điều 40 xử lý vi phạm về trốn đóng. Tuy nhiên, nội dung, biện pháp xử lý của 2 điều này cơ bản giống nhau, riêng trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị áp dụng thêm biện pháp hình sự. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị chỉnh lý Điều 40 theo hướng rút gọn thành 2 khoản, khoản 1 là các biện pháp xử lý quy định tại Điều 39 của luật này, khoản 2 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội đã được giải thích, phân định rõ ràng tại Điều 37 và Điều 38 của dự thảo luật, trong đó có sự phân định theo thời gian, trong khoảng thời gian sau thời hạn phải đóng được quy định tại khoản 6 Điều 33 đến hết 60 ngày chưa đóng thì được xác định là chậm đóng, sau 60 ngày tiếp theo vẫn tiếp tục chưa đóng thì xác định là trốn đóng. Đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng, đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng, khắc phục các vướng mắc trước đây, bảo đảm cho việc xử lý các hành vi vi phạm này.
Tuy nhiên, hành vi trốn đóng cần phải được đồng bộ hóa với pháp luật hình sự, đảm bảo sự nhất quán, khớp nối giữa 2 hệ thống pháp luật, đặc biệt là với Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định về tội trốn đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo việc xử lý đối với những người không cần gian dối hoặc không cần sử dụng thủ đoạn khác để không đóng, không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc cho nhiều người lao động trong thời gian dài, giá trị trốn đóng lớn. Hiện nay, theo Điều 216 Bộ luật Hình sự, một trong những dấu hiệu, hành vi khách quan cấu thành tội phạm này là gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc trốn đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội. Như vậy, sẽ rất khó khăn trong việc xử lý và xác định, xử lý những người không cần gian dối, không cần sử dụng thủ đoạn mà công khai, công nhiên không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo Đại biểu Nguyễn Thành Nam, thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều chủ doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, chưa đòi được, người lao động trong doanh nghiệp không được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội, mặc dù dự thảo luật lần này đã có những sửa đổi, nâng cao hiệu quả xử lý về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, chắc chắn sẽ có tác động tích cực trong việc trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, vấn đề khi nhiều trường hợp dù xử phạt, khởi tố, thậm chí không thể xử lý được thì người lao động vẫn sẽ là người thiệt thòi nhất trong khi họ không có lỗi, những người này cần được bảo vệ, hỗ trợ thông qua các cơ chế đặc thù. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thành Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đề nghị nghiên cứu, tính toán nguồn lực để mở rộng hơn nữa đối tượng người lao động được ngân sách Nhà nước hỗ trợ trong khoảng thời gian bị chậm đóng, trốn đóng để bao phủ nhóm người yếu thế, như người bị suy giảm khả năng lao động, nhất là những trường hợp do tai nạn lao động, người ốm đau thường xuyên, người có bệnh nền.
Trước những ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của các ĐBQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận, tranh luận của đại biểu, gửi đến các cơ quan có liên quan và báo cáo lại các vị ĐBQH để các cơ quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình một cách đầy đủ, thuyết phục.
Đối với những nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa có sự đồng thuận cao, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét thận trọng, cân nhắc và phối hợp với Chính phủ quyết định việc gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH để lựa chọn phương án, làm cơ sở tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ chỉ đạo Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật với trách nhiệm cao nhất và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trong thời gian giữa hai đợt của Kỳ họp trước khi hoàn chỉnh trình Quốc hội xem xét.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=87113