Đề nghị quy định thanh tra trách nhiệm tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị bổ sung quy định cơ quan thanh tra có trách nhiệm thanh tra trách nhiệm trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với cơ quan Nhà nước và Ủy ban nhân dân cấp dưới.

Ngày 7/9/2022, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Quan tâm đến tổ chức hệ thống cơ quan thanh tra, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) nhất trí việc giữ nguyên hệ thống cơ quan thanh tra cấp hành chính, trong đó thanh tra huyện như hiện hành; đồng thời chuyển thanh tra một số sở hiện tại về thanh tra tỉnh để thành lập phòng thanh tra chuyên ngành, quy định thành lập thanh tra sở tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp.

Theo Dự thảo luật, việc công bố quyết định thanh tra bằng văn bản thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham dự. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Đình Gia, nội dung này quy định đối với các cuộc thanh tra chuyên ngành là chưa phù hợp vì thanh tra chuyên ngành là để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý, nếu thông báo trước cho đối tượng thanh tra thì dễ xảy ra việc đối tượng tẩu tán phi tang chứng cứ vi phạm…

Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) - ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh) - ảnh: Quốc hội

Đối với thanh tra sở, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, chỉ những sở đặc biệt mới thành lập cơ quan thanh tra. Đồng thời, theo đại biểu, cần phân cấp nhiều hơn cho cơ quan thanh tra cấp huyện, sau khi Luật có hiệu lực cần sớm hướng dẫn để tổ chức bộ máy và điều kiện đảm bảo để Thanh tra huyện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cũng đồng tình với quy định giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính tại Dự thảo Luật, nhất là quyết định giữ nguyên Thanh tra huyện.

Theo đại biểu, Thanh tra huyện có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, đồng thời bảo đảm đúng nguyên tắc ở đâu có quản lý, ở đó có thanh tra. Trong thực tiễn việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp ngay từ cơ sở là cần thiết, Thanh tra huyện đảm bảo việc giải quyết đơn thư kịp thời, tránh gây áp lực cho Thanh tra tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động Thanh tra huyện, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ, cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực về con người, sớm kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động để Thanh tra huyện đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình mới.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) - ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) - ảnh: Quốc hội

Về quy định thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, đại biểu cho rằng quy định như trong Dự thảo là phù hợp, đáp ứng được yêu cầu quản lý và tạo cơ sở pháp lý minh bạch hoạt động thanh tra chuyên ngành của các cơ quan này. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng cũng tán thành với các tiêu chí, nguyên tắc thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ trong 3 trường hợp như quy định tại Dự thảo Luật.

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật, đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, Luật cần thiết kế các biện pháp để bảo đảm vị thế chính trị, tính độc lập gắn với tính chịu trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan thanh tra nhà nước tương xứng với chức trách, nhiệm vụ được giao và nhất là bảo đảm thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo đại biểu Lê Hữu Trí, để bảo đảm hoạt động thanh tra được chính xác, khách quan, chống tham nhũng, tiêu cực, có hiệu quả, Luật cần quy định rõ các biện pháp tránh sự can thiệp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, của người đứng đầu cơ quan thanh tra đối với hoạt động của Đoàn thanh tra.

Cụ thể, đại biểu đề nghị bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch thanh tra và xử lý kết luận sau thanh tra nếu người đứng đầu cơ quan thanh tra trình kế hoạch thanh tra hoặc kết luận thanh tra mà thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp không chấp thuận thì ý kiến không chấp thuận phải thể hiện bằng văn bản và nêu rõ lý do không chấp thuận.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) - ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) - ảnh: Quốc hội.

Đáng quan tâm, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị bổ sung quy định cơ quan thanh tra có trách nhiệm thanh tra trách nhiệm trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với cơ quan Nhà nước và Ủy ban nhân dân cấp dưới.

Theo đại biểu Mai Văn Hải, trên thực tế, việc thanh tra trách nhiệm giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân đã được tiến hành nhưng khi sửa đổi dự án Luật Thanh tra cần quy định cụ thể hơn. Theo đó, làm tốt việc thanh tra trách nhiệm đối với cơ quan quản lý nhà nước cũng như Ủy ban nhân dân cấp dưới thì sẽ nâng cao trách nhiệm trong việc tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách và các ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội đã gửi về Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tiếp thu, xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý gửi các đại biểu Quốc hội.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-nghi-quy-dinh-thanh-tra-trach-nhiem-tiep-dan-giai-quyet-don-thu-khieu-nai-to-cao-145715.html