Đề nghị rà soát quy định truy cứu trách nhiệm hình sự ban quản trị nhà chung cư

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị Luật Nhà ở (sửa đổi) cần rà soát, quy định truy cứu trách nhiệm hình sự ban quản trị nhà chung cư vì hiện nay còn bất cập

Sáng 19-6, phát biểu thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu (ĐB) Đỗ Đức Hồng Hà (đoàn TP Hà Nội) nêu rõ đây là dự án luật khó, phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của đông đảo người dân, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri cả nước.

ĐB Đỗ Đức Hồng Hà. Ảnh: Phạm Thắng

ĐB Đỗ Đức Hồng Hà. Ảnh: Phạm Thắng

Theo ĐB Đỗ Đức Hồng Hà, hiện nay, khoản 3 Điều 146 dự thảo luật quy định "các quyết định của ban quản trị nhà chung cư nếu vượt quá quyền hạn quy định tại điều này và quy chế hoạt động của ban quản trị thì không có giá trị pháp lý; trường hợp vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại".

Quy định này có 3 điểm chưa thực sự thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS), như chưa thực sự thống nhất với quy định tại điều 356, tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ vì còn thiếu hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Chưa thực sự thống nhất với quy định tại điều 356, 357 vì cả 2 điều luật này chỉ xử lý cá nhân phạm tội, không xử lý "pháp nhân, tổ chức", nghĩa là không xử lý "ban quản trị nhà chung cư". Hơn nữa, so sánh điều 144 dự thảo luật với các điều 74, 76 BLHS và các luật có liên quan thì ban quản trị nhà chung cư cũng không phải là pháp nhân thương mại nên không thể bị xử lý hình sự; ngoài ra, việc sử dụng cụm từ "vượt quá quyền hạn" chưa thực sự thống nhất với quy định tại điều 357, tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Vị ĐBQH hiện đang là Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng nếu quy định như khoản 3 điều 146 dự thảo luật thì không bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất giữa luật này với BLHS .

Từ những hạn chế nêu trên và để xác định đúng địa vị pháp lý của "ban quản trị nhà chung cư", ĐB Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị cân nhắc bổ sung vào điều 3, giải thích từ ngữ "ban quản trị nhà chung cư"; chỉnh lý khoản 3 điều 146 dự thảo luật theo hướng bổ sung hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", thay cụm từ "vượt quá quyền hạn" bằng cụm từ "lạm quyền trong khi thi hành công vụ", bổ sung cụm từ "thành viên" vào trước cụm từ "... ban quản trị nhà chung cư ...".

Sau khi chỉnh lý, khoản 3 điều 146 dự thảo luật có nội dung "thành viên ban quản trị nhà chung cư lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền trong khi thi hành công vụ... thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự".

Ngoài ra, ĐB Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị sửa đổi, bổ sung đoạn 2 khoản 3 điều 152 dự thảo luật về "Cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư". Đoạn 2 khoản 3 điều 152 dự thảo luật quy định: "Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì UBND cấp tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật".

Quy định này có 2 hạn chế, thứ nhất là còn nhầm lẫn giữa thẩm quyền và trách nhiệm; chưa thực sự thống nhất so với quy định tại đoạn 2 khoản 1 điều 5 và khoản 3 điều 144 điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) mà còn không rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Vì theo đoạn 2 khoản 1 điều 5 và khoản 3 điều 144 BLTTHS thì UBND cấp tỉnh không những không có thẩm quyền "yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật" mà còn có 2 trách nhiệm là "kiến nghị bằng văn bản" và "gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm".

Thứ hai là còn sử dụng cụm từ "chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự" chưa thực sự thống nhất với cụm từ "vụ việc có dấu hiệu tội phạm" quy định tại khoản 3 điều 144 BLTTHS.

Để khắc phục 2 hạn chế nêu trên, ĐB Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị sửa đổi, bổ sung đoạn 2 khoản 3 Điều 152 dự thảo luật như sau: "Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì UBND cấp tỉnh kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc này".

B.H.Thanh - Minh Chiến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/de-nghi-ra-soat-quy-dinh-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-ban-quan-tri-nha-chung-cu-20230619104836009.htm