Đề nghị sớm quy định tước bằng lái vĩnh viễn tài xế say xỉn
Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất của Bộ Công an về việc tước GPLX vĩnh viễn đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức cao.
Trước việc Quốc hội vừa thông qua Luật Phòng chống tác hại rượu bia, trong đó nghiêm cấm các hành vi sử dụng rượu bia trước lái xe, đại diện Bộ Công an mới đây cho biết, để quy định này đi vào thực tiễn cần có sự chung tay của xã hội và nhiều ban ngành.
“Với trách nhiệm của mình, Bộ Công an sẽ đề xuất Chính phủ ban hành chế tài xử lý tài xế uống rượu bia ở mức cao, chẳng hạn tước bằng vĩnh viễn, kéo dài thời gian tạm giữ phương tiện hay thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải doanh nghiệp nếu để tài xế lái xe khi có nồng độ cồn”, đại diện Bộ Công an cho biết.
Đón nhận thông tin này, nhiều ý kiến đồng tình và mong quy định đó sẽ sớm được bổ sung vào các văn bản pháp luật liên quan để tạo sự răn đe cần thiết, nhất là trong bối cảnh liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông thương tâm có nguyên nhân từ rượu bia.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, việc lái xe uống rượu bia tiềm ẩn nguy cơ rất lớn, ở góc độ nào đó, hành vi ấy có thể xem là tội ác. Tính mạng của nhiều người tham gia giao thông luôn bị đe dọa nếu vẫn còn những người đã uống tới say mà vẫn điều khiển xe.
Điển hình là vụ nữ chủ nhà hàng gây tai nạn chết người ở Hàng Xanh, chỉ vì lái xe sau khi đã uống say mà người đó đã cướp đi sinh mạng của người khác, bản thân cũng dính vòng lao lý. “Cần sớm bổ sung chế tài này trong Nghị định 46, càng nhanh càng tốt”, luật sư Hậu đề xuất.
Đồng tình, một cán bộ Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cũng kiến nghị cần sớm bổ sung chế tài này để nghiêm trị tài xế say xỉn. “Việc tước bằng lái vĩnh viễn chắc chắn sẽ khiến nhiều người e dè hơn mỗi khi uống rượu bia và tham gia giao thông”, vị cán bộ này nhận định.
Tương tự, Tiến sĩ Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đồng tình với đề xuất của Bộ công an. Tuy nhiên, Tiến sĩ Khương Kim Tạo cho rằng cần phải tách bạch vấn đề ở chỗ, tài xế uống đến mức nào thì mới bị áp dụng biện pháp này. Nếu như vi phạm ở mức cao, trên 0,4 miligam/lít khí thở trở lên (tương ứng với mức xử phạt cao nhất hiện nay là 17 triệu đồng) thì có thể tước bằng vĩnh viễn. Còn vi phạm ở các mức khác nhau dưới mức 0,4 thì có thể tước bằng có thời hạn, chẳng hạn như 3 năm, 5 năm, 10 năm…
Đối với doanh nghiệp vận tải, TS Khương Kim Tạo cho rằng cũng cần phải có chế tài phù hợp để họ nâng cao trách nhiệm quản lý lái xe của mình. Mặc dù không chịu trách nhiệm trực tiếp nhưng doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm liên đới. “Doanh nghiệp làm ngơ, buông lỏng quản lý, thuê lái xe nghiện rượu, nghiện ma túy làm việc cho mình thì phải chịu trách nhiệm”, TS Tạo nói.
Còn theo Luật sư Đặng Xuân Cường, Công ty luật TNHH Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội), vì sự an toàn tính mạng của những người tham gia giao thông, vì một xã hội văn minh thì đề xuất của Bộ Công an là rất cần thiết.
“Việc thay đổi chế tài đối với các tài xế vi phạm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng giống như việc sử dụng thuốc trong điều trị bệnh. Đó là khi đã sử dụng một loại thuốc để điều trị nhưng do dược tính của thuốc không đủ mạnh, bệnh sẽ không thể khỏi, thậm chí dẫn tới tình trạng nhờn thuốc. Lúc này, cần phải có sự thay đổi, sử dụng một loại thuốc có dược tính cao hơn để điều trị chứ không thể khoanh tay đứng nhìn”, luật sư Cường nói.