Đề nghị sớm 'tái khởi động' dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân
Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, nỗi mong mỏi của cử tri, Nhân dân Quảng Ninh về việc sớm có phương án xử lý dứt điểm đối với Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân tiếp tục được Đoàn ĐBQH tỉnh mang đến nghị trường. Hơn 10 năm người dân 'sống mòn' trong vùng dự án và những câu hỏi cấp thiết được đặt ra cho Chính phủ và các bộ, ngành liên quan' đã phản ánh rõ nét trách nhiệm của các đại biểu dân cử địa phương trước những thiệt thòi, bức xúc của cử tri, Nhân dân.
Chuyển tải kịp thời, đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri
Đóng góp chất lượng vào công tác xây dựng pháp luật
Trách nhiệm với đất nước và cử tri
Dự án "treo", hơn 3.600 hộ dân bị ảnh hưởng
“Người dân còn phải chờ đợi đến bao giờ?”. Đây là câu hỏi thường xuyên xuất hiện tại các cuộc tiếp xúc của cả ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Quảng Ninh nơi có Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đi qua. Sự bức xúc ấy cũng đã tồn tại trong cử tri, Nhân dân từ gần chục năm qua kể từ khi xuất hiện dự án.
ĐBQH Ngô Hoàng Ngân phát biểu về dự án tại phiên thảo luận ở Tổ,
Kỳ họp thứ Ba vừa qua. Ảnh: T. Nguyên
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có tổng chiều dài 131km đi qua 4 địa phương của tỉnh Quảng Ninh gồm: Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí và Đông Triều. Với 43km xây dựng mới và 88km cải tạo, nâng cấp, dự án dự kiến hoàn thành năm 2011. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay đã dừng thi công và đang tạm dừng triển khai theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24.2.2011 của Chính phủ. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 3.616 hộ dân bị ảnh hưởng do dự án đi qua.
Trước những bất cập của dự án, mới đây nhất, Bộ Giao thông Vận tải (GT - VT) ban hành Văn bản số 545/BGTVT-KHĐT ngày 20.1.2021 trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, nhấn mạnh: Hiện nay, Bộ GT - VT đang triển khai lập quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được đề xuất tiếp tục triển khai trong giai đoạn đến năm 2030 nhằm phát triển hài hòa các phương thức vận tải, bảo đảm tính kết nối giữa các phương thức và tối ưu hóa chi phí vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng và các địa phương dọc tuyến.
Mặt khác, do dự án được phê duyệt đầu tư đã lâu nên đến nay đã có những thay đổi nhất định về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực triển khai dự án nên căn cứ Luật Đầu tư công 2019 và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GT - VT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt rà soát, nghiên cứu lập điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để đánh giá cụ thể về hiệu quả, tính khả thi, thời điểm và phương án tiếp tục triển khai dự án. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Bộ GT - VT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kế hoạch triển khai tiếp theo của dự án.
Cần sớm ổn định đời sống người dân vùng dự án
Được kỳ vọng sẽ mang lại phương thức vận chuyển hành khách cũng như hàng hóa thuận tiện cho Nhân dân song đến thời điểm hiện tại, cái duy nhất mà những người dân ở đây nhận được vẫn chỉ là sự chờ đợi suốt từ năm này qua năm khác. Trước thực trạng này, Đoàn ĐBQH tỉnh nói riêng, chính quyền tỉnh Quảng Ninh nói chung đã không ít lần kiến nghị với Chính phủ và đề nghị Bộ GT - VT sớm khởi động lại dự án.
Trong phiên thảo luận tại tổ tại kỳ họp, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Hoàng Ngân tiếp tục thẳng thắn chỉ rõ, việc chậm triển khai thực hiện dự án đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý đất đai, tài nguyên của địa phương và đời sống, sinh hoạt của người dân. Người dân không được xây dựng, sửa chữa nhà ở; không được tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, không được cấp đổi Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, hệ thống đường bộ kết nối Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đang dần quá tải, do đó tuyến đường sắt vẫn là giải pháp tối ưu. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ sớm rà soát hệ thống giao thông đường bộ kết nối Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, sự cần thiết của hệ thống giao thông đường sắt đối với sự phát triển kinh tế vùng để có phương án “tái khởi động” dự án, sớm ổn định cuộc sống của Nhân dân...