Đề nghị sớm xử lý dứt điểm các dự án yếu kém
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ chiều 8-6, đại biểu Thuận Hữu cho biết người dân đang rất bức xúc đối với các dự án yếu kém; đề nghị Chính phủ có giải pháp xử lý dứt điểm, tránh kéo dài gây thiệt hại.
NDĐT- Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ chiều 8-6, đại biểu Thuận Hữu cho biết người dân đang rất bức xúc đối với các dự án yếu kém; đề nghị Chính phủ có giải pháp xử lý dứt điểm, tránh kéo dài gây thiệt hại.
Theo đại biểu Thuận Hữu (Hải Phòng), người dân đang rất bức xúc đối với các dự án yếu kém vì vốn đầu tư nhiều, liên tục “đội vốn”, chưa kể nhiều dự án hàng nghìn tỷ hiện đang “đắp chiếu, trùm mền”, nếu không sớm tháo gỡ thì “tiền nằm đấy, mất đất, mất tiền, mất cán bộ”. Do đó, đại biểu đề nghị cần có các giải pháp giải quyết dứt điểm những tồn đọng gây bức xúc nhiều năm này.
“Nhiệt điện Thái Bình, đầu tư gần đến nơi, còn đoạn nữa thôi mà vẫn đắp chiếu nằm đấy, một đoạn nữa thôi mà không xử lý được. Gang thép Thái Nguyên cũng vậy. Nhức nhối nhất, người dân nhìn thấy là dự án đường sắt trên cao, đầu tư rất nhiều, mất nhiều tiền, nhiều thời gian, đến giờ không biết bao giờ mới đưa vào sử dụng được. Người ta nói gần xong, chạy thử, giờ mắc mớ đủ thứ. Đường sắt không xử lý nhanh, thành bảo tàng đường sắt kêu gọi khách tới tham quan, du lịch. Dân cũng bức xúc, tiền nhiều, đội vốn liên tục thế” - Đại biểu Thuận Hữu nêu vấn đề.
“Thủ tướng quyết liệt, nhưng các bộ, ngành chưa cùng hướng, đưa việc này ra là ách tắc việc kia, cơ chế vướng mắc lung tung cả. Đề nghị Chính phủ, bộ, ngành vào cuộc nhịp nhàng, đồng bộ, cùng về một hướng, xử lý dứt điểm, càng kéo dài càng thiệt hại” - Đại biểu Thuận Hữu đề nghị.
Phản hồi ý kiến đại biểu nêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, chúng ta có những kinh nghiệm đau xót, nhất là trong những dự án thua lỗ, thí dụ như dự án Gang thép Thái Nguyên, giờ công tác khắc phục rất khó khăn.
Về dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hiện đang chậm tiến độ mà đại biểu nêu, Thủ tướng cho biết hiện nay ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất là độ an toàn, do đó cố gắng trước đầu năm 2021 có thể đưa vào vận hành.
Bên cạnh đó, để giải quyết những tồn đọng đại biểu nêu, Thủ tướng cho rằng cần có thời gian để tiếp tục thúc đẩy giải quyết: “Đảng và Nhà nước cần phải có chương trình để khắc phục tốt hơn. Đây là những tồn tại cần tiếp tục thảo luận, tiếp tục có cơ chế giải quyết”.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận các ý kiến đề xuất của đại biểu và khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, xử lý và giải quyết tốt hơn với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật.